Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách làm hay để cây cam Canh vẫn bám rễ ở Cao Viên

Minh Huệ| 28/02/2014 22:34

(HNMO)- Một vài năm trở lại đây, trên địa bàn xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội) không ít hộ nông dân đã phá bỏ cây cam Canh, cam đường để chuyển sang trồng cây ăn quả khác...

Được biết, cây cam Canh, bưởi Diễn đã bén rễ trên đồng đất Cao Viên khoảng hơn chục năm trở lại đây. Giá trị kinh tế mà loại cây ăn quả này đem lại cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Chính vì vậy, mà diện tích trồng cam Canh ở Cao Viên không ngừng được mở rộng, nhưng tập trung chính vẫn là ở xóm Bãi. Lúc cao điểm, diện tích trồng cây cam Canh, bưởi Diễn ở Cao Viên vào khoảng 30ha, cho thu hoạch vài trăm triệu đồng/ha/năm.

Cây cam Canh, bưởi Diễn ở Cao Viên đã từng cho thu nhập vài trăm triệu đồng/ha/năm


Tuy nhiên, theo nhiều hộ trồng cam ở Cao Viên, khoảng 3 năm trở lại đây, cây cam Canh trên địa bàn đã bị cỗi, quả thường bị chín sớm trước thời vụ thu hoạch chính một vài tháng với chất lượng thấp nên giá bán không được bao nhiêu, hầu hết phải vứt bỏ, hoặc để tự rụng đầy gốc. Vì thế năng suất bị giảm mạnh hoặc nhiều vườn gần như không được thu hoạch. Chính vì lẽ đó, không ít hộ nông dân đã chặt bỏ để chuyển sang trồng loại cây khác, như chuối tiêu hồng, táo. Việc chặt bỏ cây cam Canh rộ nhất là vào cuối năm 2013, mặc dù thời điểm này là thời điểm áp Tết Nguyên đán và là chính vụ thu hoạch. Nhìn những vườn cam bị chặt bỏ, xếp thành từng đống củi mà không khỏi xót xa.

Theo nhiều hộ trồng cam Canh ở đây, có lẽ chất đất ở đây không hợp với cây cam Canh nên cây chóng bị thoái hóa, sâu bệnh, bởi thông thường cây cam có thể cho thu hoạch với năng suất ổn định trong vòng hơn 20 năm. Trao đổi vấn đề này với ông Lê Đức Giáp – “ông vua” cây ngũ quả, một người có bề dày kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi, nhất là cam Canh, cam đường, ông cho biết: Thực tế vùng đất bãi ở Cao Viên là vùng trũng thấp, dễ bị ngập nước khi mưa úng cho nên có phần không phù hợp với cây cam, hoặc nói cách khác là cây cam bị thoái hóa sớm hơn so với các vùng đất cao ở các địa phương khác. Thực tế, những vườn cam bị thoái hóa, mắc bệnh quả chín sớm ở Cao Viên đều là những vườn hơn chục năm tuổi và trải qua trận úng lụt lịch sử vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2008.

Theo ông Lê Đức Giáp, qua thực tế cho thấy, cây cam Canh, cam đường vẫn là cây cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với cây trồng khác trên đồng bãi Cao Viên. Bởi vậy, cũng có không ít gia đình trồng cam ở Cao Viên đã mạnh dạn phá bỏ vườn cam đã thoái hóa để trồng lại cây cam mới, thay vì chuyển sang trồng loại cây khác. Bản thân gia đình ông Giáp cũng đang bắt tay vào trồng mới hàng loạt để thay thế vườn cây cam đã thoái hóa, sâu bệnh. Theo ông Lê Đức Giáp, mặc dù thời gian khai thác cây cam ở Cao Viên không dài bằng các nơi khác nhưng với cách làm của mình, ông vẫn có thể khắc phục hạn chế đó để thu được hiệu quả kinh tế cao từ cây cam.

Ông Lê Đức Giáp cũng đang bắt tay vào thay thế loạt cây cam mới cho vườn cây cam đã thoái hóa


Ông Giáp đã từng trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm khi mới bước vào nghề trồng cam vào năm 2002: Thông thường đối với cây cam đã cho thu hoạch phải bảo đảm diện tích bình quân 9m2/gốc. Thế nhưng, khi bắt tay vào trồng, không tuân thủ theo lẽ thường đó, ông trồng 1cây/4,5m2 (tức là 3m/luống; khoảng cách các cây với nhau trên luống là 1,5m). Song, cảm giác vẫn thưa, vì thế, giữa các rãnh luống ông lại trồng thêm cây con để cuối năm có thể đem bán cây giống. Tuy nhiên, cuối năm đó, cây giống đã đôn lên nhưng bán chỉ hết một phần nhỏ, số cây giống còn lại không bán được, ông đành chấp nhận trồng lại. Nếu theo kỹ thuật thông thường trong trồng cam, sau mỗi kỳ thu hoạch quả, người trồng lại phải thao tác tiện thân cây một lần. Bởi vậy, ông cùng người thân trong gia đình tiến hành xử lý tiện cả cây đã trồng cố định và cả cây giống không bán được phải trồng lại. Kết quả, số cây trồng lại ra hoa rất nhiều và tỷ lệ quả đậu đạt cao hơn so với số cây ông trồng cố định từ ban đầu. Vậy là ngay trong năm thứ 2, ông đã thu được thành công lớn, bình quân mỗi cây cam giống không bán được mà ông trồng lại trong vườn cho năng suất 30-40 kg quả. Từ sự ngẫu nhiên đó, ông Giáp đã đúc rút được một kinh nghiệm quý trong trồng cây cam đường, đó là ngoài kỹ thuật xử lý tiện thân như thông thường, cần phải đào gốc nhằm làm đứt bớt rễ thì cây cam khi ra hoa sẽ sai hơn và tỷ lệ quả đậu sẽ cao hơn rất nhiều.

Được biết, hiện nay khi bắt tay vào trồng loạt cam mới trong vườn nhà mình, ông cũng đang áp dụng phương pháp trồng dày như đã nêu trên để có thể tận thu sản lượng cam trên một diện tích đất canh tác nhất định ngay từ vụ đầu thu hoạch. Sau đó, cùng với thời gian, ông sẽ chọn lựa và tỉa bớt cây đi để bảo đảm mật độ khi cây đã trưởng thành nhằm cho năng suất cao ở những vụ sau.

Cách làm của ông Lê Đức Giáp có thể nói là một cách làm hay, giúp cây cam đường vẫn tiếp tục bám rễ, cho hiệu quả kinh tế cao trên đồng đất Cao Viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách làm hay để cây cam Canh vẫn bám rễ ở Cao Viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.