(HNM) - Công tác bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, từ ý thức người tham gia giao thông cho đến quản lý hạ tầng, cũng như cứu hộ cứu nạn...
Ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc. |
Tai nạn đến từ ý thức kém
Sau 8 năm kể từ khi tuyến ĐBCT đầu tiên của Việt Nam được đưa vào sử dụng, đến nay hệ thống ĐBCT đã có 13 tuyến với tổng chiều dài 745km đang được khai thác. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tai nạn giao thông (TNGT) trên ĐBCT chiếm tỷ lệ ít so với đường quốc lộ (khoảng 13%), nhưng mức độ nghiêm trọng thường rất lớn.
Vụ tai nạn nghiêm trọng mới nhất xảy ra trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào tối 24-12, một xe bồn chở dầu đã đâm vào chiếc ô tô bán tải đang dừng ở làn khẩn cấp để thay lốp khiến hai người tử vong. Theo ghi nhận của đơn vị quản lý đường cao tốc, chiếc ô tô bán tải đỗ tại làn khẩn cấp, nhưng đã lấn một phần sang làn số 3 dành cho phương tiện lưu thông. Cũng trên tuyến đường này, vào tháng 4-2016, một lái xe điều khiển chiếc Ford đã dừng xe khẩn cấp trên cao tốc dù ô tô không mắc lỗi kỹ thuật. Khi người này vừa mở cửa bước ra thì bị ô tô Mercedes lưu thông cùng chiều đâm tử vong tại chỗ.
Theo ông Trần Anh Tú, Giám đốc Ban Quản lý cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mặc dù đã liên tục khuyến cáo, song lâu nay vẫn có nhiều trường hợp tài xế dừng xe vào làn khẩn cấp để nghỉ ngơi mà không vào trạm dừng nghỉ, trong khi đã có quy định cấm dừng đỗ trên cao tốc, xe chỉ được dừng khi gặp sự cố kỹ thuật. Khoảng 50% vụ ô tô hư hỏng trên đường cao tốc được chủ xe tự sửa chữa, điều này tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT. Nguyên tắc khi gặp sự cố là chủ xe phải dừng hẳn vào làn khẩn cấp và gọi cứu hộ. Trường hợp không gọi cứu hộ, lái xe tự xử lý thì phải có thiết bị cảnh báo khác như bật đèn xe, dùng tam giác phản quang đặt cách nơi đỗ xe từ 150 đến 200m, nhưng qua theo dõi camera giám sát, rất nhiều trường hợp lái xe vi phạm nguyên tắc này.
Dịch vụ thiếu đồng bộ
Nguyên nhân TNGT chủ yếu đến từ ý thức người tham gia giao thông kém, song không thể phủ nhận các dịch vụ trên hệ thống cao tốc hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông Lê Văn Đạt (Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT) cho biết, hiện trên toàn bộ 13 tuyến ĐBCT mới chỉ có 10 trạm dịch vụ cho lái xe, hành khách dừng nghỉ, nạp nhiên liệu và kiểm tra kỹ thuật. Thậm chí, có tuyến dù đã đưa vào khai thác và thu phí, nhưng vẫn chưa xây dựng các trạm dừng nghỉ (như tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng).
Công nghệ giao thông thông minh (ITS) trong quản lý cao tốc đã được ứng dụng trên 5 tuyến đang khai thác. Tuy nhiên, đang thiếu một bộ tiêu chuẩn về cấu trúc hệ thống ITS quốc gia, nên việc triển khai hệ thống này của các nhà đầu tư không theo một tiêu chuẩn chung nào. Do đó, hệ thống ITS hiện mới chỉ có các chức năng đơn giản là kiểm soát giao thông bằng hình ảnh, bảo vệ tài sản của nhà đầu tư mà chưa có đủ các chức năng thông minh điều tiết giao thông...
Một số ý kiến cho rằng vấn đề ứng cứu, giải tỏa ùn tắc giao thông và cấp cứu TNGT là rất cấp thiết. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định công tác cứu hộ, cứu nạn đã đầy đủ, nhưng khâu tổ chức thực hiện lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống cứu hộ hiện nay đa số thuộc các doanh nghiệp tư nhân. Những doanh nghiệp này chủ yếu chỉ đầu tư phương tiện cơ giới như xe ủi, xe cẩu hạng nhẹ. Với những trường hợp xe trọng tải lớn bị nạn thì công tác cứu hộ chưa thể triển khai kịp thời, từ đó dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông, gây thiệt hại nhiều hơn.
Hoặc với vấn đề y tế, từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án cấp cứu TNGT trên mạng ĐBCT đến năm 2020 và giao Bộ Y tế chủ trì thực hiện. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa được triển khai mà chủ yếu dựa vào các cơ sở y tế sẵn có của các địa phương dọc tuyến cao tốc. Nhiều nơi trung tâm y tế rất xa đường cao tốc, khi xảy ra tai nạn sẽ không đến kịp.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành; tăng cường thông tin, tuyên truyền và tuần tra, xử lý vi phạm, cũng như khẩn trương xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn nhằm "chuẩn hóa" mạng lưới ĐBCT đang là yêu cầu cấp thiết. Không thể mãi ứng xử với cao tốc bằng tư duy của "đường làng".
Đại diện Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT cho biết, phân tích số liệu TNGT trên ĐBCT cho thấy, nguyên nhân tai nạn chủ yếu do ý thức người điều khiển phương tiện (chiếm trên 80%). Trong đó, ngủ gật (khoảng 4%), mất lái (15%), vượt sai quy định (19%), không giữ khoảng cách an toàn (khoảng 10%) và không làm chủ tốc độ (khoảng 18%)... Bên cạnh đó, tình trạng xe mô tô, xe gắn máy, người đi bộ trên các tuyến cao tốc cũng là nguyên nhân gây TNGT. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.