Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các trường THPT: Gian nan cuộc đua đạt chuẩn

Thống Nhất| 07/04/2013 06:25

(HNM) - Kết quả kiểm điểm tiến độ xây dựng trường chuẩn quý I năm 2013 của ngành GD-ĐT Hà Nội cho thấy, cấp THPT đang ở vị trí

Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết HĐND thành phố Hà Nội đến năm 2015 là mỗi cấp học đều phải có 50-55% số trường đạt chuẩn quốc gia. Hầu hết các trường xem ra khá chật vật ở chặng đường cuối, song không vì thế mà các nhà trường nản chí.

Nhiều trường gặp khó khăn về mặt bằng để mở rộng hạ tầng, phát triển cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học. Ảnh: Bá Hoạt


Bảy năm vẫn gian nan với chuẩn

Theo Quyết định số 5699/QĐ-UBND ngày 10-12-2012 của UBND thành phố, năm 2013, tổng chỉ tiêu kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thành phố giao là 122 trường, trong đó cấp THPT là 5 trường. Năm 2012, Hà Nội cũng đã có 5 trường THPT được công nhận đạt chuẩn, song đây đều là những trường cận chuẩn, nên nhìn chung có nhiều thuận lợi. Lãnh đạo ngành GD-ĐT thừa nhận, càng về giai đoạn sau, chặng đường để được công nhận chuẩn với những trường còn lại càng khó khăn vì những trường dễ, cận chuẩn đã hoàn thành nhiệm vụ.

Kết quả kiểm điểm tiến độ quý I năm 2013 của ngành GD-ĐT đối với các trường trong kế hoạch cho thấy, cơ sở vật chất vẫn là bài toán nan giải. Đây cũng là vấn đề từng được tập trung bàn thảo nhiều nhất trong lộ trình xây dựng trường chuẩn của hầu hết các trường ngay từ thời điểm khởi động. Song nếu như ở giai đoạn trước, chỉ những trường khu vực nội thành gặp khó với việc mở rộng diện tích, thì nay, cả các trường ở ngoại thành cũng than thở với tình trạng này. Tiêu biểu trong diện này là Trường THPT Yên Viên (huyện Gia Lâm). Bà Nguyễn Thị Hiển, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm 2006, Yên Viên nằm trong danh sách 14 trường đã được đưa vào danh mục đầu tư, nâng cấp để đạt chuẩn. Ban giám hiệu nhà trường cũng cố gắng mọi bề, chất lượng dạy - học đều cơ bản đạt yêu cầu, song đến nay trường vẫn không thể đạt đủ các tiêu chí theo chuẩn. Lý do là vì cơ sở vật chất chật hẹp. Cả 7 xã phía bắc Đuống và 1 thị trấn chỉ có một trường THPT công lập nên quy mô nhà trường ngày càng phát triển (35 lớp với gần 1.600 HS). Ban giám hiệu, thầy cô giáo phải dồn phòng chức năng, nhường phòng làm việc của mình để HS có chỗ học. Thực tế khảo sát mới thấy, có lẽ hiếm có nơi nào lại nhiều "phòng đa năng" đến thế. Phòng bộ môn vừa là phòng đồ dùng, vừa là phòng nghỉ trưa cho giáo viên; phòng hiệu trưởng chỉ có 12m2 song vừa là nơi làm việc, vừa để tiếp khách, cũng là phòng họp hội đồng; 3 hiệu phó chung một phòng làm việc từ chục năm nay…

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiển, càng khó khăn, Ban giám hiệu trường càng quyết tâm phấn đấu xây dựng trường theo các tiêu chí trường chuẩn, bắt đầu từ dạy - học thật tốt, phụ huynh cũng nhiệt tình ủng hộ, vì mục đích cuối cùng chính là vì HS. Tuy nhiên, tiêu chí về mở rộng khuôn viên lại ngoài tầm với của ngành giáo dục.

Hệ trung cấp cũng mong muốn có các tiêu chí chuẩn. Ảnh: Khánh Nguyên


Hệ bổ túc, trung cấp cũng mong có chuẩn

Những khác biệt giữa trường đạt chuẩn và trường chưa đạt chuẩn là minh chứng cho ý nghĩa của việc được công nhận đạt chuẩn. Giáo viên không còn phải dạy chay, HS được học trong môi trường khang trang, tiện nghi và có cơ hội nhận được nhiều sự quan tâm từ mọi nguồn lực xã hội… Thực tế cho thấy, dù chặng đường xây dựng theo các tiêu chí để được công nhận là trường chuẩn quốc gia không đơn giản, song không vì thế mà các nhà trường nản chí và coi đó là mục tiêu cần thiết hướng tới.

Tại hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội mới đây, Ban giám hiệu các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cũng bày tỏ mong muốn có các tiêu chí chuẩn của riêng cấp học mình. Theo ý kiến của một số hiệu trưởng, các cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS, đến THPT đều có bộ tiêu chí trường chuẩn, thì khối TCCN và GDTX lại không có, trong khi đây lại là hai cấp học còn nhiều khó khăn, chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng. Ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) cho rằng: Các trường TCCN được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, vì vậy việc ban hành các tiêu chí trường TCCN chuẩn là cần thiết, tạo cơ sở cho đầu tư về mọi mặt, thúc đẩy hệ thống trường TCCN phát triển. Các trung tâm GDTX trên địa bàn thành phố hiện nay không chỉ đảm nhận nhiệm vụ xóa mù, duy trì kết quả phổ cập, mà còn gánh trên vai trách nhiệm chủ đạo trong việc tạo môi trường học tập thường xuyên, suốt đời cho mọi tầng lớp nhân dân, làm nền tảng cho việc xây dựng xã hội học tập. Giám đốc các trung tâm GDTX còn cho biết, ngoài 15 nghìn HS hệ bổ túc đang theo học, còn có gần 7 nghìn HS theo học chương trình giáo dục THPT như đối với các trường THPT. Việc hướng đến các tiêu chí của trường chuẩn đối với ngành học GDTX không chỉ nhằm khẳng định vị thế của ngành học, mà còn đem lại nhiều lợi ích cho HS GDTX trong học tập, tạo sự bình đẳng trong việc hưởng thụ môi trường và điều kiện giáo dục của nhóm HS vốn đã nhiều thiệt thòi này.

Thực tế cho thấy, muốn có "sản phẩm" đạt chuẩn thì các điều kiện làm ra "sản phẩm" cũng phải đạt chuẩn. Rõ ràng, đòi hỏi ấy của các nhà trường là chính đáng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các trường THPT: Gian nan cuộc đua đạt chuẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.