Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp: Dấu ấn còn mờ nhạt

Thu Hằng| 13/09/2022 06:04

(HNM) - Các trường đại học đóng vai trò trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia thông qua sứ mệnh: Cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao tri thức, trang bị kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo... Tuy nhiên, hiện dấu ấn của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp và những mối liên hệ với các chủ thể khác trong việc thực thi sứ mệnh vẫn còn mờ nhạt.

Trường Đại học Phenikaa đang xây dựng mô hình “Vườn ươm khởi nghiệp” cho sinh viên. Trong ảnh: Sinh viên thực hành nghiên cứu tại phòng thí nghiệm.

Hướng đi bền vững cho các trường đại học

Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này được thể hiện trong các nội dung Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Chính phủ.

Thực tiễn thành công của nhiều nước trong đổi mới sáng tạo cho thấy, hệ thống các trường đại học đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Các trường đại học đi đầu trong việc phát triển các khu vực đổi mới nói riêng và hệ sinh thái đổi mới nói chung, từ đó thiết lập sự hỗ trợ linh hoạt, kết nối khu vực công - tư. Các trường đại học cũng thường xuyên đóng vai trò là tổ chức điều phối hoạt động của các bên liên quan trong hệ sinh thái, đồng thời cung cấp kỹ năng lãnh đạo và tầm nhìn.

Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng khẳng định, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu và khởi nghiệp, kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên nền tảng đại học thông minh là xu hướng tất yếu, phù hợp với bối cảnh phát triển mới của giáo dục đại học, là hướng đi bền vững cho các trường đại học tự chủ.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên, năm 2020, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”. Tháng 1-2022, trường thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, trường đã đăng ký nhiệm vụ “Nâng cao năng lực chuyên sâu cho một số đối tượng trong hệ sinh thái” thuộc Đề án 844. Đến nay, trường đã xây dựng được bộ tài liệu tập huấn và tổ chức 3 khóa huấn luyện phát triển năng lực về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối xây dựng mạng lưới giữa học viên, chuyên gia huấn luyện, doanh nghiệp start-up, thực hành thực tế tại các vườn ươm khởi nghiệp và tại các doanh nghiệp ở Hà Nội... Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Đỗ Tuấn Minh cho biết, các hoạt động này đã góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên, xây dựng mạng lưới kết nối với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng...

Đặt mục tiêu trở thành đại học đổi mới sáng tạo, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa Phạm Thành Huy cho hay, từ tháng 5-2019, trường đã công bố thành lập 8 nhóm nghiên cứu với những cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trưởng nhóm. Sau 3 năm, đa số các nhóm đều phát triển vượt bậc, hoàn thành những mục tiêu đặt ra, đóng góp một phần đáng kể vào các sản phẩm khoa học và công nghệ của trường. Hiện tại, Trường Đại học Phenikaa đang xây dựng mô hình “Vườn ươm khởi nghiệp” cho sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên không chỉ biết “làm kỹ sư”, “làm nhà khoa học”, mà còn có thể “làm doanh nhân, chủ doanh nghiệp”.

Lễ ký bản ghi nhớ hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các trường đại học kỹ thuật, tháng 9-2022.

Cần nhiều chính sách đột phá hơn nữa

Theo số liệu thống kê, cả nước đã có hơn 140 trường đại học, cao đẳng đã tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, dấu ấn của các trường đại học trong đổi mới sáng tạo vẫn còn mờ nhạt, hạn chế.

Cụ thể nhất là việc nghiên cứu khoa học chưa thực sự gắn với nhu cầu của nền kinh tế. Hiện, tư duy chủ đạo mới chỉ tập trung cho trụ cột đào tạo và nghiên cứu, chưa chú trọng đến đổi mới sáng tạo. Việc đưa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học để tạo ra hiệu quả xã hội vẫn còn yếu. Phần lớn các trung tâm, bộ phận thương mại hóa công nghệ tại trường đại học không có tư cách pháp nhân, nên khó vay vốn ngân hàng. Hành lang pháp lý cho quá trình khởi nghiệp dựa vào đổi mới sáng tạo chưa đầy đủ, thiếu vắng chính sách đặc thù hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dẫn đến hiệu quả chưa cao hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của sinh viên.

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường đại học, nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, theo Giám đốc Văn phòng Đề án 844 Phạm Dũng Nam, các trường đại học cần mở rộng liên kết, hợp tác, khai thác nguồn lực của nhau. Cùng với đó là xây dựng các mối quan hệ hợp tác với các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm của các trường đại học khác trong và ngoài nước cùng với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp… để hình thành hệ sinh thái nuôi dưỡng ươm mầm cho các dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất cho rằng, cần có nhiều chính sách đột phá hơn nữa trong việc tạo nguồn lực, thị trường cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy liên kết, hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học cần tăng cường các chương trình giáo dục về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp: Dấu ấn còn mờ nhạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.