(HNMO) - Trong quý đầu tiên của năm 2016, thị trường mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội không ghi nhận có dự án mới ở phân khúc bán lẻ. Tổng diện tích mặt bằng bán lẻ hiện xấp xỉ 706.530 m2 từ 19 trung tâm thương mại, 2 trung tâm thương mại tổng hợp và 9 sảnh bán lẻ.
Theo khảo sát của CBRE, tỷ lệ trống trung bình của các trung tâm thương mại tại Hà Nội tăng từ 10,2% trong quý 4/2015 lên 11,5% trong quý 1/2016 do tại thời điểm đầu năm, một số hợp đồng cho thuê hết hạn dẫn đến việc tồn tại những diện tích trống tại một số trung tâm mua sắm.
Về mức giá thuê, nguồn cung hạn chế trong khu vực trung tâm thành phố cho phép giá thuê tại đây tăng 1,8% so với quý trước. Tại khu vực ngoài trung tâm, việc một trung tâm thương mại tạm thời đóng cửa để sửa chữa khiến giá thuê tại khu vực này tăng 3,2% so với quý trước. Tuy nhiên, những sảnh bán lẻ lớn sắp được hình thành trong dự án dân cư tại khu vực ngoài trung tâm thành phố sẽ cạnh tranh với các trung tâm thương mại đang và sẽ được đi vào hoạt động về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.
Trong năm 2016, các trung tâm thương mại có xu hướng đưa ra giá thuê hợp lí, hướng tới phân khúc khách hàng tầm trung. Vì vậy, giá thuê tại các trung tâm thương mại mới được dự đoán không cao như mức của các trung tâm thương mại đã mở từ trước. Tập đoàn Vingroup sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị phần mặt bằng bán lẻ với các dự án nằm tại nhiều khu vực khác nhau. Trong thời gian sắp tới, một số dự án được đầu tư bởi các công ty nước ngoài như Gamuda và Ciputra sẽ cung cấp mặt bằng bán lẻ ra thị trường với mức giá bằng hoặc thấp hơn giá trung bình thị trường do vị trí nằm ngoài khu vực trung tâm.
Trong quý 1/2016, CBRE Châu Á Thái Bình Dương đã công bố báo cáo với tiêu đề: “Điểm nóng thị trường bán lẻ tại Châu Á Thái Bình Dương 2015”. Theo đó, hoạt động bán lẻ xuyên quốc gia tại Châu Á Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2016 nhưng tốc độ phát triển sẽ chỉ tập trung tại các thành phố lớn.
Số cửa hàng mới mở của 5 thị trường dẫn đầu chiếm đến 60% tổng số cửa hàng mới mở tại toàn khu vực, tăng từ mức 54% của năm 2014. Nhờ nguồn cầu lớn đối với loại hình bán lẻ - giải trí, các hãng bán lẻ thuộc ngành cafe – nhà hàng chiếm đến 33% số lượng các thương hiệu mới vào thị trường trong năm 2015 tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tăng từ mức 22% của năm 2014.
Trong khi đó, khảo sát của Savills tiến hành tại 14 trung tâm thương mại và trung tâm bách hóa tại Hà Nội, diện tích trung bình của ngành thời trang chiếm 47% tổng diện tích, tiếp đến là ngành thực phẩm và nước giải khát với 27%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.