(HNM) - Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam đã ngã xuống hoặc để lại một phần máu thịt, họ đã và đang sống chiến đấu trên chiến trường và ở mặt trận không tiếng súng.
Đất nước bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển, để giữ bình yên cho cuộc sống, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tiếp tục đổ máu xương trên mặt trận phòng, chống tội phạm. Tấm gương hy sinh của các anh mãi mãi là hành trang quý giá cho thế hệ hôm nay. Và càng đáng quý hơn, khi nhiều thương binh, con em gia đình liệt sĩ vẫn nêu gương sáng về ý chí và đạo đức cách mạng.
Đại diện Bộ Công an trao bằng khen cho các cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu tại Hội nghị biểu dương người có công trong lực lượng Công an nhân dân. Ảnh: TTXVN |
Đại tá Nghiêm Trung Dương, Cục Tham mưu (Bộ Công an) sinh ra và lớn lên ở một làng quê bên bờ sông La, tỉnh Hà Tĩnh. Cho đến hôm nay, những ký ức về một thời chiến tranh khốc liệt vẫn còn ám ảnh ông. Nhưng truyền thống quê hương, gia đình đã giúp ông vươn lên không ngừng và không bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn, thử thách. Năm ông 14 tuổi, người cha thân yêu của ông đã mãi mãi ra đi sau trận chiến ác liệt tại Thành cổ Quảng Trị. Với ý chí của một người lính từng tham gia quân ngũ, mẹ ông đã gạt nước mắt để nuôi dạy con khôn lớn. Nghiêm Trung Dương đã không phụ lòng mẹ, trở thành một trinh sát trẻ trong ngành công an. Trải qua nhiều nhiệm vụ, làm việc ở nhiều nơi khác nhau ở Tây Nguyên hay Hà Nội, nhưng ở cương vị hay nhiệm vụ nào, ông cũng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao. 37 năm làm việc trong ngành công an, ông đã lập nhiều thành tích xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất, Bằng khen của Chính phủ và nhiều danh hiệu cao quý khác. Chia sẻ về cuộc đời mình, Đại tá Nghiêm Trung Dương tâm đắc: "Tôi ý thức rất rõ về truyền thống gia đình nên đã không ngừng vươn lên, học tập, rèn luyện. Suốt đời tâm nguyện học tập Bác Hồ "vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Giờ đây, khi đã trưởng thành, tôi cũng sẽ dạy các con mình để nối tiếp truyền thống tốt đẹp ấy".
Đại tá Nghiêm Trung Dương là một trong hàng trăm tấm gương thương binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu vừa được Bộ Công an biểu dương nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012). Họ đã vượt qua nỗi đau mất mát hoặc tật nguyền, nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Nhiều người lập được những chiến công xuất sắc hoặc trở thành lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị công an, được đồng đội mến phục, nhân dân yêu quý.
Qua nhiều tấm gương tiêu biểu có thể thấy rõ tinh thần và ý chí đáng khâm phục của những cán bộ, chiến sĩ ngành công an hôm nay. Đó là thương binh, Đại tá Đào Anh Tuấn, Đội trưởng Phòng PC52, CATP Hà Nội. Với 28 năm công tác, ông đã trải qua 20 năm làm nhiệm vụ hình sự đặc nhiệm và bắt đối tượng truy nã, cùng đồng đội điều tra, khám phá nhiều vụ trọng án, truy bắt nhiều tên tội phạm có tổ chức đặc biệt nguy hiểm. Năm 2011, Đại tá Đào Anh Tuấn vinh dự đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân. Một tấm gương khác là thương binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tá Nguyễn Đức Cường, Phó trưởng phòng PC47, Công an tỉnh Nghệ An. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, ông đã tham gia xác lập và trực tiếp chỉ đạo đấu tranh 70 chuyên án về tội phạm ma túy, bắt giữ 145 đối tượng, thu giữ 85 bánh hêrôin, 50kg cần sa, 25.000 viên ma túy tổng hợp và nhiều vũ khí nguy hiểm của bọn tội phạm. Một tấm gương nữa là con liệt sĩ, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng CA quận Cầu Giấy (Hà Nội) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo các lực lượng làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm trên địa bàn. Thành tích đã giúp ông liên tục giành danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng III và nhiều danh hiệu khác.
Phát biểu trong lễ biểu dương của Bộ Công an tổ chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "Thành công của các đồng chí thương binh, con liệt sĩ tiêu biểu là nguồn động viên, niềm tự hào của các đồng chí, đồng đội. Đó là những tấm gương rất đáng để noi theo". Có thể nói, lửa truyền thống cách mạng mà lớp lớp cán bộ, chiến sĩ ngành công an đã dày công hun đúc trong gần 70 năm qua đang tiếp tục cháy. Những thương binh tàn nhưng không phế, những con em liệt sĩ tiêu biểu - những ngọn đuốc của truyền thống đáng tự hào ấy - vẫn không ngừng tỏa sáng.
Ngành công an có 14.418 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ đã cống hiến một phần máu thịt vì độc lập và tự do của Tổ quốc. 352 đồng chí được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khi chiến tranh đã lùi xa, từ năm 1986 đến nay, trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, gần 200 cán bộ, chiến sĩ công an đã hy sinh, hơn 800 người khác bị thương được xác nhận là thương binh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.