(HNM) - Ngày 10-11, hạt Jefferson bang Alabama, Mỹ đã nộp đơn xin phá sản lên chính quyền liên bang do không trả nổi khoản nợ lên tới gần 3,2 tỷ USD. Đây là vụ phá sản cấp thành phố lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Hạt Jefferson là địa phương mới nhất tuyên bố phá sản tại Mỹ. |
Vụ vỡ nợ thành phố mới nhất này được ví là phát súng có sức công phá lớn dội vào nền kinh tế vốn đang ốm yếu của Mỹ. Jefferson là hạt đông dân nhất bang Alabama với khoảng 660.000 dân; thu nhập bình quân đầu người khoảng 20.892 USD. Jefferson đã vướng vào nợ nần không thể thanh toán gần 3,2 tỷ USD từ năm 2010 sau khi kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý nước thải thất bại. Tháng 7 vừa qua, các nhà lãnh đạo Jefferson đã nộp đơn xin phá sản lên chính quyền liên bang nhưng tới đầu tháng 11, đơn này mới được thụ lý. Cuộc bỏ phiếu lựa chọn giữa việc bán tài sản trả nợ hay xin phá sản đã diễn ra vào thứ tư tuần trước với 80% số phiếu đồng thuận cho quyết định phá sản.
Thống đốc bang Alabama nói: "Tôi cảm thấy rất thất vọng với quyết định của những người đứng đầu hạt, bởi vụ phá sản sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến vùng Birmingham mà toàn bang Alabama". Như vậy, tính cả Jefferson, nước Mỹ đã chứng kiến 50 vụ phá sản cấp thành phố trong lịch sử (từ năm 1980). Trước đó, thị trường đã chịu nhiều tác động sau vụ phá sản của thành phố Harrisburg (thủ phủ bang Pennsylvania). Thành phố Harrisburg với 50.000 dân vừa biểu quyết thông qua tuyên bố phá sản hồi tháng 10 vừa qua. Những vấn đề về tài chính tại Harrisburg đã nảy sinh từ 10 năm trước, khi thành phố quyết định xây dựng một lò đốt rác nhằm biến rác thải thành năng lượng. Tuy nhiên, dự án này đã phá sản và hậu quả là thành phố phải gánh chịu khoản nợ lên tới 310 triệu USD.
Cuộc khủng hoảng nợ đang tác động xấu tới tận các cơ quan công quyền địa phương thay vì cấp bang và thành phố như trước đây, cảnh báo một làn sóng đổ vỡ các chính quyền thành phố nhỏ của Mỹ đang đến gần. Cụ thể, tại thành phố Detroit, từ lực lượng cảnh sát đến hệ thống chiếu sáng, bảo dưỡng và vệ sinh đường phố… tất cả đều tinh giản biên chế, cắt giảm chi tiêu. Chính sách này ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống của hơn 20% cư dân sinh sống tại Detroit. Chính quyền bang Illinois cũng chung cảnh ngộ "thắt lưng buộc bụng". Hiện mức chi tiêu của bang này đã gấp đôi ngân sách từ thuế và đã kéo dài kỳ hạn trả nợ thêm 6 tháng, riêng khoản nợ của Đại học Illinois đã là 400 tỷ USD. Khả năng không thể thanh toán nợ nần của Illinois lên đến 21%, cao hơn tất cả các bang khác. Ngoài ra, nhiều tiểu bang khác của Mỹ cũng lúng túng với nợ. Lý giải tình hình khủng hoảng trên, bà Meredith Whitney, nhà phân tích tài chính hàng đầu của Mỹ, cho rằng, nhiều bang và thành phố của Mỹ đã bội chi, chi vượt 500 triệu USD tiền thuế họ thu được và đang phải đối mặt với lỗ thủng 1.000 tỷ USD trong quỹ trợ cấp của địa phương.
Do đó, dù không phải trường hợp phá sản chính quyền đầu tiên tại Mỹ nhưng vụ sụp đổ của hạt Jefferson đã làm dấy lên nỗi ám ảnh về nguy cơ vỡ nợ của hàng loạt chính quyền địa phương tại nền kinh tế số 1 thế giới này; đồng thời sự kiện này xảy ra trong giai đoạn hết sức nhạy cảm, khi Mỹ đang chật vật chống khủng hoảng cũng như làn sóng biểu tình do phẫn nộ trước sự bất công trong xã hội ngày một lan rộng.
Jay Goffman, người đứng đầu bộ phận tái cơ cấu doanh nghiệp tại Công ty Luật Skadden Arps, Slate, Meagher & Flom nhận định tình trạng phá sản tại các thành phố Mỹ sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới, với nguyên nhân chính là do tăng trưởng kinh tế èo uột, xu hướng thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng, thị trường ảm đạm, tình trạng tín dụng ngày càng thắt chặt, thất nghiệp, nợ công, doanh thu từ thuế và bất động sản suy giảm trầm trọng…
Cuộc khủng hoảng kinh tế mấy năm qua đã và đang "bào mòn" thực lực của nước Mỹ. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng được coi là "nhân tố" quan trọng góp phần làm nền kinh tế Mỹ ảm đạm hơn. Do đó, ngăn chặn tình trạng phá sản của các chính quyền địa phương là thách thức không nhỏ với chính quyền Mỹ hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.