Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các siêu thị, chuỗi cung ứng tăng lượng hàng lên mức cao nhất - tích trữ là không cần thiết

Hà-Quỳnh-Hương| 07/03/2020 14:37

(HNMO) - 142 siêu thị, trên 1.000 cửa hàng tiện lợi và 128 chuỗi cung ứng thực phẩm, 455 chợ trên địa bàn Hà Nội chủ động nguồn cung hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu… nên việc tích trữ là không cần thiết.

Sáng 7-3, đoàn công tác của Sở Công Thương Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Trần Thị Phương Lan dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa tại hai điểm: Siêu thị Vinmart Thăng Long (phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy) và Vinmart Times City  tại chung cư Times City (số 458 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng).

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương (áo hồng) kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa ở siêu thị.

Tại 2 địa điểm trên, đoàn đã kiểm tra trực tiếp tại các khu vực hàng hóa thiết yếu như quầy rau củ, thịt lợn, gà, bò, hải sản, gạo, giấy vệ sinh… Toàn bộ hệ thống quầy kệ đều dồi dào nguồn hàng. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên quầy hàng, quầy thanh toán được bố trí đầy đủ. Đoàn cũng kiểm tra tại các kho dự trữ của các đơn vị này và nhận thấy nguồn hàng hóa được các siêu thị chuẩn bị đầy đủ. Đại diện các siêu thị này đều cho biết đã tập trung nguồn nhân lực và tăng sản lượng hàng hóa từ 4-5 lần so với ngày bình thường; lượng hàng dự trữ cũng tăng từ 30-40%. Hai siêu thị cũng tăng cường phát loa nhắc nhở người dân bình tĩnh trước dịch bệnh, tin tưởng vào cơ quan chức năng trong việc bảo đảm nguồn hàng.

Tại thời điểm này, việc tích trữ hàng hóa là hoàn toàn không cần thiết vì ngành Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối (với 142 siêu thị, trên 1.000 cửa hàng tiện lợi và 128 chuỗi cung ứng thực phẩm, 455 chợ) chủ động nguồn cung hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao trong mùa dịch bệnh như lương thực, thực phẩm, giấy vệ sinh, nước uống đóng chai…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc vận hành miền Bắc hệ thống siêu thị Vinmart cho biết, ngay từ tối 6-3, khi nhận được thông tin dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn bộ đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Vincom Mart và Vinmart+ đã họp bàn khẩn cấp, đề ra các phương án và làm việc với các nhà cung cấp ngay trong đêm để tăng cường sản lượng hàng hóa, trong đó, tập trung các loại thực phẩm tươi sống và thiết yếu với người dân. Hệ thống cũng tăng cường tối đa nhân lực phục vụ lượng khách hàng mua sắm tăng đột biến, đồng thời đẩy mạnh vệ sinh môi trường tại các điểm bán hàng.

Báo cáo mới nhất của các doanh nghiệp cho biết, hiện nay, tổng dự trữ 7 mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân Thủ đô có giá trị lên tới 15 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đều chủ động điều tiết lượng hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội để phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân. Để bảo đảm vận chuyển hàng hóa từ các nơi về Hà Nội nhanh chóng, thuận lợi, thành phố đã có chính sách hỗ trợ chuyển hàng 24/24. Do đó, việc lưu chuyển, điều tiết hàng hóa của các đơn vị phân phối được bảo đảm liên tục.

Cùng với đó, để kiểm soát về giá và chất lượng hàng hóa, đặc biệt ngăn chặn tình trạng lợi dụng mùa dịch và tâm lý người dân để găm hàng, tăng giá, Sở Công Thương đã có công văn yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra trên tất cả các địa bàn trong toàn thành phố, bảo đảm bình ổn thị trường. Sở Công Thương Hà Nội cũng thành lập tổ công tác triển khai đến các siêu thị, chợ nắm bắt tình hình giá cả hằng ngày, báo cáo lãnh đạo Sở để kịp thời có biện pháp xử lý.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân Hà Nội không nên mua đồ dự trữ vì các hệ thống phân phối của Hà Nội trong bất kỳ trường hợp nào cũng bảo đảm đủ nguồn cung phục vụ nhu cầu của người dân”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Hà Nội đẩy mạnh sản xuất, liên kết cung ứng thực phẩm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, trung bình mỗi tháng, lượng hàng hoá Hà Nội cần cung cấp là: 92.970 tấn gạo, 18.594 tấn thịt lợn hơi, 5.230 tấn thịt bò, 6.198 tấn thịt gà/vịt, 5.165 tấn thuỷ hải sản đông lạnh, 84.100 tấn rau củ… Trong đó, Hà Nội đáp ứng được: 35% gạo, 15% thịt bò, 5% thuỷ hải sản, 65% rau củ, 25% thực phẩm chế biến, 66% trứng gia cầm...

Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện, diễn biến phức tạp, người dân có thể hoang mang nên tích trữ hàng hoá khiến nhu cầu tăng cao, Sở chỉ đạo các địa phương tăng cường sản xuất, tập trung vào các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu.

Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương tăng cường sản xuất, tập trung vào các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu.

Thời tiết hiện nay cơ bản thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh sản xuất khoảng 18.500ha rau, 19.500ha cây ăn quả; duy trì tổng đàn gia cầm gần 38,5 triệu con, 153.217 con trâu bò; 1,8 triệu con lợn; 24.000ha nuôi trồng thủy sản…

Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang được Hà Nội kiểm soát tương đối tốt. Đặc biệt, chăn nuôi lợn của Hà Nội đang dần phát triển trở lại với tổng đàn đã hồi phục đạt trên 50% so với trước khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Hiện, Sở tập trung chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn nhằm bổ sung nguồn cung thịt cho thị trường.

Cùng với năng lực sản xuất nội tại, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung ứng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô. Hiện, mỗi ngày hàng chục nghìn tấn nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố được chuyển về Hà Nội. Sản phẩm từ các địa phương hiện vẫn được chuyển về tiêu thụ thông qua các kênh phân phối, siêu thị, hệ thống bán lẻ. 

Bên cạnh đó, hiện có khoảng 200 nhà cung cấp thuộc các tỉnh, thành phố đã kết nối trực tiếp, đưa sản phẩm của người sản xuất từ các địa phương tới tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội như: Vinmart, BigC Thăng Long, Saigon Co.op, Hapro… nên nguồn cung khá dồi dào.

Trước đó, do lo lắng trước diễn biến mới của dịch, nhiều người dân đã đổ ra các chợ mua hàng, khiến giá một số mặt hàng có xu hướng tăng giá. 

Mặt hàng rau tại chợ truyền thống được bán phổ biến ở mức 15.000 đồng/mớ cải xanh, 30.000 đồng/kg bí xanh, 23.000 đồng/kg củ cải trắng, 15.000 đồng/chiếc súp lơ xanh, 15.000 đồng/kg bắp cải, 30.000 đồng/kg cà chua. Các mức này gần như không biến động so với các ngày trong tuần. Tuy nhiên, giá một số loại thịt lại tăng, như thịt ba chỉ, thăn lợn được bán phổ biến ở mức 200.000 đồng/kg, sườn 200.000-250.000 đồng/kg, nạc vai 250.000 đồng/kg; thịt bò có giá 300.000-350.000 đồng/kg... Các mức giá này tăng 50.000-100.000 đồng/kg so với những ngày trước đó. Trong khi đó, tại các hệ thống siêu thị, mức giá vẫn giữ nguyên như các ngày trong tuần, lượng cung vẫn dồi dào. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các siêu thị, chuỗi cung ứng tăng lượng hàng lên mức cao nhất - tích trữ là không cần thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.