(HNM) - Sau khi hoàn tất mục tiêu bảo vệ người cao tuổi, nhóm dễ bị tổn thương về y tế và lực lượng lao động chính..., nhiều quốc gia đang xúc tiến kế hoạch tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em. Đây được xem là biện pháp nhằm hạn chế nguồn lây, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho việc mở cửa trở lại trường học, trong bối cảnh các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Cuba trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện việc tiêm đại trà vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên khi khởi động chiến dịch chủng ngừa từ ngày 6-9 vừa qua. Loại vắc xin được đảo quốc Caribbean sử dụng là Soberana 02 do Viện Vắc xin Carlos Finlay (IFV) của quốc gia này tự sản xuất. Đây là một phần trong kế hoạch tiêm chủng mũi đầu trong liệu trình 3 mũi tiêm cho toàn bộ trẻ em và thanh thiếu niên từ 2 đến 18 tuổi, để có thể mở cửa trở lại trường học vào tháng 11 tới.
Tại châu Âu, việc tiêm chủng cho trẻ em được khởi động khi Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 5 đã phê duyệt sử dụng vắc xin Pfizer cho đối tượng từ 12 tuổi. Tới nay, các nước thành viên khối, đặc biệt là Pháp, Hà Lan, Đức, Italia đang mở rộng tiêm chủng cho nhóm từ 12 đến 17 tuổi. Italia đã tiêm được cho 23% nhóm từ 12 đến 19 tuổi. Với thủ tục nhanh gọn, thanh thiếu niên tại quốc gia này được ưu tiên tiêm mà không cần đặt lịch trước. Về phần mình, Anh cũng theo đuổi mục tiêu tiêm ít nhất một mũi vắc xin cho toàn bộ nhóm người 16-17 tuổi. Với nhóm từ 12 đến 15 tuổi, nước này chỉ ưu tiên tiêm cho những người có hệ miễn dịch yếu hoặc người bị các chứng bại não, tự kỷ, động kinh... Các quốc gia châu Âu yêu cầu sự cho phép của phụ huynh trước khi tiêm cho trẻ em.
Ở châu Á, Trung Quốc ngay từ tháng 8 đã hối thúc các địa phương tiêm phòng cho học sinh, và tới nay nhiều tỉnh đã chuẩn bị đủ điều kiện tiêm vắc xin cho trẻ em từ 3 đến 17 tuổi. Hàn Quốc cũng đang nỗ lực tiêm chủng đầy đủ cho học sinh trung học phổ thông trước khi kỳ thi đại học quốc gia diễn ra vào ngày 18-11. Quốc gia này đồng thời đặt mục tiêu tiêm chủng xong cho nhóm từ 12 đến 17 tuổi ngay trong năm 2021. Tương tự, từ tháng 6, Nhật Bản đã hạ độ tuổi tối thiểu để tiêm vắc xin Pfizer từ 16 tuổi xuống 12 tuổi. Ở Đông Nam Á, Campuchia đã thực hiện tiêm cho nhóm 12-17 tuổi từ đầu tháng 8. Malaysia cũng đã bắt tay vào tiêm cho thanh thiếu niên từ 12 tuổi. Thái Lan cũng cân nhắc tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên bằng vắc xin của Pfizer và Moderna.
Việc tiêm chủng cho trẻ em được nhiều nước chú trọng bởi đây là thời điểm bắt đầu năm học mới, nhiều quốc gia gặp khó khi triển khai mô hình học tập trực tuyến. Tại Ấn Độ, tỷ lệ trẻ em ở nông thôn được lên lớp thường xuyên khi học qua mạng internet chỉ đạt 8%. Mặt khác, mùa thể thao ở nhiều nước đang tới gần, cũng đồng nghĩa sự gia tăng hoạt động trong giới trẻ, đòi hỏi cần những biện pháp phòng ngừa sớm để tránh dịch bệnh lây lan.
Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin cho trẻ em hiện vẫn còn những ý kiến trái chiều. Không ít quốc gia, trong đó có cả Mỹ vẫn chưa phê duyệt sử dụng vắc xin cho trẻ em dưới 12 tuổi, với quan điểm cần được cân nhắc, đánh giá thêm. Không ít quốc gia cũng bảo lưu quan điểm việc tiêm chủng 100% cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi là chưa cần thiết vì trẻ em có nguy cơ nhiễm vi rút thấp.
Theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng là mục tiêu chung của toàn thế giới. Do đó, việc chủng ngừa cho trẻ em là một phần tất yếu trong kế hoạch này và cần triển khai sớm để học đường thực sự là môi trường an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.