Càng gần những ngày cuối năm, việc vận động, tuyên truyền người lao động (NLĐ) Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp, những người sắp hết hạn hợp đồng lao đồng tại Hàn Quốc của thành phố Hà Nội càng quyết liệt hơn. Các quận, huyện của Hà Nội tích cực để giảm số lượng LĐ vi phạm quy định của Luật đưa NLĐ Việt Nam sang nước ngoài làm việc.
Thể hiện rõ nhất là Quyết định số 90/QĐ-XPVPH 2 NLĐ đối với 2 NLĐ ở xóm Hậu- xã Uy Nỗ- huyện Đông Anh và xóm Thượng- xã Cổ Loa- huyện Đông Anh với mức xử phạt là 90 triệu đồng/người vì đã hết hạn hợp đồng nhưng không về nước đúng hạn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong thời gian dài. Đồng thời, xử phạt 2 NLĐ khác ở xã Dương Liễu huyện Hoài Đức vì cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong thời gian dài. Nếu người bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn quy định, thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gửi quyết định xử phạt cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người bị xử phạt cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài để ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Có thể nói đây là xử lý mạnh tay của các cơ quan chức năng đối với các trường hợp cố tình vi phạm quy định của pháp luật lao động.
Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, một số huyện như Đông Anh; Sóc Sơn; Ba Vì; Hoài Đức; Quốc Oai, Mỹ Đức... có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao. Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã đề nghị các huyện phải tuyên truyền, vận động tích cực nhất để giảm thiểu tình trạng sai phạm nêu trên. Từ năm 2013 số LĐ Hà Nội cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 313 lao động, chiếm tỷ lệ khá cao 40,76%. Thực hiện các biện pháp tuyên truyền vận động, 11 tháng đầu năm 2014 số LĐ Hà Nội làm việc bất hợp pháp đã giảm xuống còn 34,4 %. Có được kết quả này là nhờ những nỗ lực thực tế từ các huyện. Chẳng hạn, UBND huyện Ba Vì đã nỗ lực bằng nhiều cách trong đó, ưu đãi NLĐ và người nhà họ là những chiến lược mang tính hiệu quả cao. Ba Vì là một trong những huyện có số LĐ cư trú bất hợp pháp cao nhất. Năm 2014 có 16 người đến hạn phải về nước nhưng không về. Năm 2015 có 44 LĐ hết hạn hợp đồng. UBND huyện đã ban hành nhiều công văn yêu cầu xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể tham gia tích cực, vận động, tuyên truyền các gia đình có con em đang làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Đồng thời yêu cầu các gia đình có người thân đang làm việc tại Hàn Quốc ký cam kết với UBND các xã, thị trấn về việc vận động NLĐ trở về nước đúng hạn, phải vận động được ít nhất 80% số lượng LĐ của địa phương trở về đúng hợp đồng. Nhất là thời điểm cuối năm, triển khai quyết liệt việc rà soát những gia đình có con em đi XKLĐ tại Hàn Quốc đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tại huyện Hoài Đức, tỷ lệ LĐ đi làm việc ở Hàn Quốc ít do đặc thù là huyện ven đô, có nhiều làng nghề nên NLĐ ít nhu cầu sang nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, tỷ lệ LĐ cư trú bất hợp pháp vẫn cao, là huyện có tỷ lệ cư trú bất hợp pháp cao thứ 17/30 của Hà Nội. Trong năm 2013, có 40/49 LĐ về Việt Nam nhưng chỉ có 29 NLĐ về nước đúng hạn và 11 NLĐ về nước không đúng hạn hợp đồng quy định, nâng tỷ lệ cư trú bất hợp pháp lên 40,82%. Trong năm 2014 toàn huyện có 18 LĐ hết hạn hợp đồng. Sau nhiều nỗ lực vận động, đến nay vẫn còn 5 NLĐ đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong đó có 2 NLĐ xã Dương Liễu bị xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định số 90/QĐ-XPVPH. Như vậy, năm 2014 tỷ lệ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của huyện giảm xuống còn 33,3%. Kết quả đạt được tuy chưa cao nhưng cũng phản ánh và ghi nhận sự cố gắng tham gia vận động, tuyên truyền của tất cả các phòng, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn.
Còn nhiều huyện của Hà Nội có tỷ lệ LĐ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đó là huyện Đông Anh với 8 NLĐ chưa trở về trong năm 2014; Sóc Sơn có 8 NLĐ; Chương Mỹ còn 8 LĐ; Thạch Thất có 6 LĐ; Mỹ Đức có 6 NLD... Hết năm 2014, nếu tỷ lệ cư trú bất hợp pháp không giảm xuống 30% thì nguy cơ đóng cửa thị trường Hàn Quốc đối với Việt Nam sẽ xảy ra. Vì vậy, không thể chậm trễ. Cũng thừa nhận là Hà Nội đã nỗ lực hết sức để đạt được những con số giảm đáng kể. Và ý thức của người nhà, người thân của NLĐ đã hết hạn hoặc sắp hết hạn hợp đồng đang sống tại Hàn Quốc đã tích cực vận động hơn, đã kêu gọi và dùng nhiều biện pháp hơn nên có nhiều NLĐ đã buộc phải trở về nước.
Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, NLĐ vẫn chưa ý thức được nguy cơ, thiệt hại khi thị trường lao động Hàn Quốc bị đóng cửa. Vì vậy, tất cả đều mong chờ vào hành động của người nhà, người thân, của hệ thống chính trị để vận động NLĐ có ý thức vì cộng đồng. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị đoàn thể chỉ đạo địa phương rà soát và vận động những gia đình có người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc hết hạn ở lại cư trú bất hợp pháp để về nước năm 2014 và 2015.
Đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai ký cam kết với UBND các xã, thị trấn về việc vận động NLĐ làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn. Sở cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc yêu cầu của các gia đình có con, em đang cư trú và LĐ bất hợp pháp tại Hàn Quốc ký cam kết với chính quyền địa phương vận động con, em thực hiện đúng quy định. Sở cũng niêm yết công khai danh sách các LĐ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ở các địa điểm công cộng tại địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.