Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G-20 nhóm họp tại Nam Kinh, Trung Quốc ngày 31/3 sẽ tập trung thảo luận những thách thức mà hệ thống tiền tệ thế giới đang đối mặt trong bối cảnh tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu gặp các trở ngại như thảm họa động đất, sóng thần hôm 11/3 tại Nhật Bản và cuộc khủng hoảng nợ Eurozone.
Theo các nguồn tin ngoại giao, hội nghị sẽ có sự hiện diện của các quan chức cấp cao G-20 và các tổ chức tài chính quốc tế như Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick.
Tại Hội nghị diễn ra hồi tháng Hai ở Paris, Pháp, G-20 đã nhất trí đưa ra các chỉ số để tính toán những mất cân bằng kinh tế giữa các nước có xuất siêu lớn như Trung Quốc và các nước có thâm hụt về cơ cấu như Mỹ; các chỉ số không ràng buộc đánh dấu những mất cân bằng trong nước, trong đó tập trung vào thâm hụt ngân sách, nợ công, tiết kiệm cá nhân và các chỉ số bên ngoài xem xét các dòng đầu tư và cân bằng thương mại như tỷ giá hối đoái, các chính sách tài khóa, tiền tệ. Nhưng Trung Quốc, nước có kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới lên tới 2.800 tỷ USD, lo ngại nhiều chỉ số có thể gây thêm sức ép lên thương mại và đồng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, tại Hội nghị lần này những mất cân bằng như vậy sẽ không còn là trọng tâm của các cuộc thảo luận. Thay vào đó, một trong những mối quan ngại chính của Trung Quốc - các dòng vốn đầu cơ - là vấn đề then chốt trong chương trình nghị sự.
Cũng như các nền kinh tế đang nổi khác Trung Quốc lo ngại về các dòng vốn đang tìm kiếm lợi tức ngắn hạn cao hơn "đổ vào" từ các nền kinh tế phát triển, góp phần làm gia tăng lạm phát.
Một chủ đề khác sẽ được đề cập tại Hội nghị là quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF mà Pháp, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên G-20, hy vọng có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc giúp các nước thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Trung Quốc muốn có thêm nhiều đồng tiền tham gia rổ tiền tệ cấu thành SDR, ngoài đồng USD, euro, yên và bảng Anh. Chính ông Strauss-Kahn đã bày tỏ sự ủng hộ đưa thêm đồng Nhân dân tệ vào SDR.
Trước đó Trung Quốc từng khẳng định hệ thống tỷ giá hối đoái của Trung Quốc sẽ không được ra bàn thảo tại Hội nghị G-20 tại Nam Kinh, bất chấp sự chỉ trích đồng Nhân dân tệ được định giá quá thấp để tạo lợi thế thương mại không công bằng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.