Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các phong trào thi đua của thành phố Hà Nội: Ngày càng đi vào thực chất

Hiền Thu| 03/10/2020 06:20

(HNM) - Hôm nay, 3-10, diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025. Nhìn lại giai đoạn 2015-2020 có thể thấy, các phong trào thi đua của thành phố Hà Nội ngày càng đi vào thực chất, thúc đẩy khí thế thi đua, tạo động lực lớn để các cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân tích cực hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Phong trào thi đua tại các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Nhật Nam

Thiết thực, hiệu quả

Gần 3 năm nay, tuyến đê hữu Hồng thuộc quận Hoàng Mai luôn xanh, sạch, đẹp nhờ những thảm cây, khóm hoa trải dài hơn 8km. Đây là thành quả của Hội Liên hiệp phụ nữ và người dân 5 phường: Thanh Trì, Lĩnh Nam, Yên Sở, Vĩnh Hưng và Trần Phú. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Lĩnh Nam Nguyễn Thu Hà cho biết: “Đầu năm 2018, chúng tôi cùng các cơ quan, đoàn thể của phường và các khu dân cư thu dọn hàng nghìn tấn phế thải tích tụ ở thân đê trên chiều dài 3,4km. Sau đó, toàn bộ mặt bằng được trồng hoa và dọn vệ sinh thường xuyên để không còn hiện tượng đổ trộm phế thải”.

Tại quận Hai Bà Trưng, dấu ấn nổi bật của phong trào thi đua là năm 2019 có 96/96 hộ thoát nghèo, 84/84 hộ thoát cận nghèo, toàn quận không còn hộ nghèo. Chủ tịch UBND phường Trương Định Trần Anh chia sẻ: “Phường đã thành công trong việc xóa nghèo thông qua kêu gọi ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” rồi trực tiếp hỗ trợ theo nhu cầu thực tế của các hộ nghèo, cận nghèo”. 

Theo Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ thành phố Hà Nội) Nguyễn Công Bằng, phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 luôn gắn với thực tiễn, lôi cuốn được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Thông qua đó, nhiều khâu yếu, việc khó được giải quyết. Tiêu biểu như các cơ quan hành chính tập trung thi đua nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; thực hiện tốt phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” gắn với hai quy tắc ứng xử của thành phố…

Hiệu quả từ các phong trào thi đua cũng đã được khẳng định ở nhiều lĩnh vực khác như: Với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hà Nội đã hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới dẫn đầu cả nước (đến cuối năm 2020, có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%). Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh cũng đã về đích sớm 2 năm, góp phần tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Nhân rộng nhiều “bông hoa đẹp”

Tọa đàm - Giao lưu trực tuyến “Góp sức xây dựng Thủ đô” do Báo Hànộimới và Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ thành phố Hà Nội) tổ chức đã góp phần biểu dương và tạo sức lan tỏa các gương người tốt, việc tốt. Ảnh: Quang Thái

Gắn bó với công tác thi đua, khen thưởng trong nhiều năm, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn Trần Thị Toàn khẳng định: “Kinh nghiệm cho thấy, việc phát động phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cần cải thiện là yếu tố đầu tiên để đi tới thành công; cùng đó là tăng cường kiểm tra, giám sát và biểu dương tập thể, cá nhân làm tốt”.

Đặc biệt, cuộc thi viết về "Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt" được thành phố duy trì liên tục hằng năm đã cho thấy hiệu quả trong việc khuyến khích mọi người quan tâm, nhân rộng cái tốt, đẩy lùi cái xấu. Tính riêng năm 2020, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 2.503 bài viết dự thi, qua đó phát hiện nhiều tấm gương sáng về sự cống hiến, tấm lòng nhân ái, không quản ngại khó khăn để làm điều có ích cho xã hội.

Theo ông Nguyễn Công Bằng, công tác tuyên truyền và nhân rộng phong trào thi đua, điển hình tiên tiến của thành phố Hà Nội còn có điểm nhấn là các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục phản ánh gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Hình thức giao lưu, tọa đàm gương người tốt, việc tốt cũng đã được 50% các cụm thi đua của thành phố triển khai. Thông qua đó, những nghĩa cử cao đẹp, nhân văn được nhiều người biết đến, lan tỏa trong cộng đồng. Giai đoạn 2015-2020, đã có hơn 5.000 cá nhân người tốt, việc tốt tiêu biểu được thành phố Hà Nội biểu dương, khen thưởng; hơn 30.000 cá nhân người tốt, việc tốt được các cấp, các ngành khen thưởng; 50 “Công dân Thủ đô ưu tú” được thành phố tôn vinh.

Bên cạnh kết quả đạt được, phong trào thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020 còn bộc lộ hạn chế, tồn tại: Phong trào phát triển chưa đồng đều; một số phong trào chưa xác định rõ mục tiêu, tiêu chí thi đua cụ thể, chưa thu hút đông đảo quần chúng tham gia…

Về phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn 2020-2025, ông Nguyễn Công Bằng cho biết: “Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng phải phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trở thành động lực to lớn góp phần xây dựng, phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh… Theo đó, các phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu, việc khó, nhất là gắn với việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp…”.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4420/QĐ-UBND (ngày 1-10-2020) về việc kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội. Theo đó, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố.

* Sáng nay, 3-10, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025. Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025 có chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các phong trào thi đua của thành phố Hà Nội: Ngày càng đi vào thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.