Bóng đá Hà Nội đã ghi một dấu ấn rõ nét trong các hoạt động thể thao Thủ đô trong năm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà cụ thể là việc HN.T&T và HN.ACB lần lượt vô địch V-League và giải hạng Nhất QG 2010. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Anh Tú - Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Hà Nội về bóng đá Thủ đô mùa giải 2010.
* Thưa ông, hẳn là bóng đá Hà Nội đã có một năm thành công?
- Chắc chắn là như vậy. Với việc HN.T&T vô địch, HP.HN trụ vững ở V-League, HN.ACB giành quyền thăng hạng từ giải hạng nhất, sang năm, cả 3 đại diện của bóng đá Thủ đô sẽ cùng góp mặt ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam. Không địa phương nào trên cả nước đạt được thành tích đó. Song, sự thành công không chỉ dừng lại ở khía cạnh thành tích, điều quan trọng là cả 3 CLB nêu trên đều đang có những dấu hiệu khởi sắc và bước đi vững chắc trên con đường bóng đá chuyên nghiệp. So sánh với nhiều địa phương khác, có thể thấy, nhiều nơi thậm chí vẫn còn đang rất khó khăn và bế tắc trong việc chuyển đổi chứ chưa nói tới những mục tiêu khác lớn hơn.
* Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến thành công của các CLB bóng đá Hà Nội?
- Cả 3 đội bóng của Hà Nội đều có xuất phát điểm từ những đội bóng bao cấp. Nhưng với sự đầu tư của những tập đoàn, công ty lớn, đặc biệt là những ông chủ cực kỳ đam mê bóng đá, họ đã mạnh dạn và rất quyết tâm chuyển đổi sang mô hình chuyên nghiệp hóa. Thủa ban đầu cũng có những khó khăn nhất định nhưng thành quả ngày hôm nay cho thấy tư duy táo bạo, đổi mới đã mang lại thành công.
* LĐBĐ Hà Nội có vai trò như thế nào trong sự thành công nói trên?
- LĐBĐ Hà Nội đóng vai trò tham mưu, tư vấn cho các CLB trong việc xây dựng mô hình hoạt động, các vấn đề về chuyên môn và các công tác hậu cần. Ở đây cũng cần phải nhấn mạnh là tư duy kinh tế của các ông chủ CLB không phải lúc nào cũng đúng trong lĩnh vực bóng đá. Nó cần có sự kết hợp với tư duy của người làm chuyên môn. Sự cộng hưởng giữa tiền bạc và chuyên môn tốt sẽ làm nên thành công.
* Bóng đá Hà Nội đã có một năm thành công nhưng khán giả Thủ đô vẫn quay lưng với sân Hàng Đẫy. Đâu là nguyên nhân và giải pháp của vấn đề này sẽ như thế nào thưa ông?
- Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi và xây dựng lại cả một nền bóng đá, quá trình này gồm nhiều giai đoạn: Trước hết là xây dựng đội bóng và mô hình hoạt động. Sau đó là đạt thành tích và giữ vững thành tích. Cuối cùng mới là lôi kéo khán giả đến sân.
Thực tế, cùng với khán giả TP.HCM, khán giả Hà Nội rất khó tính và có nhiều sự lựa chọn các loại hình giải trí khác nhau ngoài bóng đá. Để kéo được họ đến sân, điều đầu tiên là các trận đấu phải thực sự hấp dẫn, có chất lượng cao. Mặt khác, công tác tổ chức và tuyên truyền cũng rất quan trọng. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi đang làm việc với một số công ty truyền thông để quảng bá cho bóng đá Hà Nội tốt hơn.
* Có rất ít cầu thủ gốc Hà Nội trong các đội bóng của Thủ đô bây giờ. Liệu sự nhạt nhòa “bản sắc Hà Nội” có phải là nguyên nhân khiến khán giả thờ ơ không, thưa ông?
- Tôi không cho là vậy. Thủ đô là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước nên việc mọi người đều muốn về đây là điều hoàn toàn bình thường. Tôi xin phân tích ví dụ CLB Arsenal ở giải Ngoại hạng Anh, thử hỏi có bao nhiêu cầu thủ người Anh đá chính nhưng tại sao SVĐ của họ luôn chật cứng như vậy. CLB HA.GL ở lần đầu tiên đăng quang V-League có mấy người là cầu thủ bản địa? Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất nằm ở khả năng cống hiến của đội bóng. Như tôi đã nói, nếu các trận đấu luôn diễn ra hấp dẫn, chắc chắn khán giả sẽ đông.
* Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.