Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các nước siết chặt quy định phòng dịch dịp Lễ Giáng sinh: Bảo đảm an toàn cho người dân

Hoàng Linh| 23/12/2021 06:20

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với đe dọa đến từ biến chủng mới Omicron, các quốc gia đang khẩn trương triển khai hàng loạt biện pháp bảo đảm sự an toàn cho người dân. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo các hoạt động lễ hội dịp Lễ Giáng sinh và đón năm mới 2022 có thể dẫn tới số ca nhiễm Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.

Biến chủng Omicron là nguyên nhân khiến dịp Giáng sinh năm 2021 tại nước Anh không được như kỳ vọng.

Dịp Lễ Giáng sinh và đón năm mới 2022 được kỳ vọng sẽ có những nét tươi mới, khi thế giới đã hoàn thành phần lớn việc tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19. Cùng với việc cải thiện năng lực ứng phó của hệ thống y tế thì ý thức phòng dịch của người dân cũng đã được nâng lên. Chính vì thế, mong muốn tận hưởng niềm vui sum họp với bạn bè, người thân trong ngày Giáng sinh được người dân tại nhiều châu lục ấp ủ.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron đã dội “gáo nước lạnh” vào mong mỏi này. Số ca nhiễm tăng cao ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, khiến mọi hoạt động giải trí mùa Lễ Giáng sinh tiềm ẩn nguy cơ trở thành những sự kiện “siêu lây nhiễm”. Anh - quốc gia đã tiêm chủng hơn 70% dân số, lại ghi nhận 78.610 ca nhiễm mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Mối lo ngại về Omicron và diễn biến phức tạp của đại dịch buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát đi cảnh báo các hoạt động lễ hội cuối năm có thể dẫn tới số ca nhiễm bùng nổ trên toàn cầu, trong đó nêu khuyến nghị sớm triển khai các biện pháp ứng phó, đặc biệt là hủy bỏ sự kiện tập trung đông người nhằm bảo đảm an toàn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của WHO, chính phủ các nước đang đẩy nhanh những biện pháp ứng phó. Tại châu Âu, Pháp quyết định đóng cửa các câu lạc bộ đêm, hạn chế khách nhập cảnh, thậm chí hủy tiệc mừng Giáng sinh truyền thống tại Điện Elysee. Tại Phần Lan, quán bar và nhà hàng sẽ đóng cửa vào lúc 22h trong đêm lễ, trong khi Đan Mạch và Na Uy đều hạn chế hoạt động về đêm.

Tương tự, tại Mỹ, thành phố Los Angeles hủy bỏ tiệc đón Giao thừa, trong khi New York hủy bỏ các buổi biểu diễn danh tiếng tại Broadway; Boston cũng quy định bất kỳ ai đến các cơ sở kinh doanh trong nhà phải xuất trình chứng nhận tiêm phòng. Còn ở Canada, từ ngày 22-12 đất nước này cũng dừng hoạt động quán bar, trung tâm thể thao…, cấm các hoạt động tập trung đông người, bao gồm cả đám cưới. Ở châu Á, Nhật Bản đã từ chối nhập cảnh đối với du khách quốc tế, đồng thời yêu cầu cách ly 14 ngày với công dân về nước bất kể tình trạng đã tiêm chủng hay chưa.

Bên cạnh các nỗ lực phòng dịch trước Giáng sinh, nhiều quốc gia còn lên phương án kiểm soát nguy cơ làn sóng lây nhiễm bùng nổ sau thời điểm này. Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận tuy không tăng cường quy định phòng dịch trước Giáng sinh nhằm tạo điều kiện cho người dân tận hưởng không khí lễ hội, nhưng sẽ siết chặt ngay sau thời khắc quan trọng của người Công giáo. Bồ Đào Nha thông báo đóng cửa toàn bộ hộp đêm, quán bar và yêu cầu người lao động làm việc tại nhà từ ngày 26-12 cho tới ít nhất là ngày 9-1-2022.  

Giới chuyên môn cho rằng, việc chính phủ các nước siết chặt quy định phòng dịch là cần thiết cho dù điều này ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Hiệp hội Du lịch UKHospitality (Anh) cho biết, đã ghi nhận doanh số suy giảm khoảng 40% so với giai đoạn trước dịch. Còn theo Hiệp hội Công nghiệp Dehoga (Đức), 90% nhà hàng, khách sạn và cơ sở kinh doanh dịch vụ đã chứng kiến tình trạng hủy tiệc Giáng sinh.  

Ai cũng biết Giáng sinh năm 2021 sẽ chưa thể sôi động như kỳ vọng và mong muốn của người dân. Tuy nhiên, việc chung tay tuân thủ các biện pháp phòng dịch và đẩy nhanh độ phủ vắc xin phòng Covid-19 vào lúc này có thể giúp thế giới sớm trở lại cuộc sống bình thường trong năm mới 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nước siết chặt quy định phòng dịch dịp Lễ Giáng sinh: Bảo đảm an toàn cho người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.