(HNMO) - Theo báo cáo của Chánh thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, năm 2014 có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó có 3 người bị xử lý hình sự, 5 người bị cách chức, 40 người bị xử lý kỷ luật các hình thức cảnh cáo, khiển trách.
Chánh thanh tra cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có gần 8.000 cuộc thanh tra hành chính và 190.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện gần 32.000 tỷ đồng vi phạm, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 27.000 tỷ đồng, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán 4.800 tỷ đồng.
Thanh tra các cấp, ngành cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với khoảng 1.700 tập thể, gần 3.000 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 61 vụ. Tỷ lệ thu hồi tài sản đạt gần 65% (tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng).
Thanh tra cũng phát hiện 54 vụ việc với 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng tổng số tiền gần 69 tỷ đồng (đã thu hồi 46,9 tỷ đồng - đạt 68,5%, tăng 18,3% so với năm 2013).
Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh |
Theo Chánh thanh tra, tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.
Xác định phòng chống tham nhũng là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, phải tiến hành kiên trì, liên tục, năm qua, Chính phủ đã rà soát, xác định các văn bản cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp Hiến pháp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đặc biệt ở các lĩnh vực “nóng”, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực thi công vụ.
Tuy nhiên, Chánh thanh tra thừa nhận, việc rà soát các văn bản thực thi pháp luật còn thấp, một số giải pháp triển khai thiếu đồng bộ, hiệu quả hoạt động của một số cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa kịp thời, công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập…
Năm tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản đồng bộ với Hiến pháp; cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí để dư luận hiểu đúng về nỗ lực PCTN của Việt Nam; bổ sung một số tội danh tham nhũng vào hệ thống văn bản pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế xử lý triệt để cán bộ vi phạm kỷ luật công vụ; tăng tính hiệu quả của việc kê khai tài sản đối với cán bộ; đẩy mạnh chương trình tổng thể cải cách thủ tục hành chính Nhà nước và trách nhiệm giải trình của công chức, viên chức; cải cách chế độ tiền lương; thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại một số địa phương…
Tham nhũng trong khu vực công vẫn rất nghiêm trọng
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đạt được kết quả quan trọng trên nhiều mặt PCTN, hoạt động của bộ máy nhà nước minh bạch và công khai hơn; án treo, đình chỉ vụ án… đã giảm nhiều; việc xử lý án tham nhũng đã nghiêm minh hơn.
Tuy nhiên, việc khắc phục những sơ hở, bất cập về chính sách PCTN còn chậm; thiếu quy định kiểm soát có hiệu quả tài sản của người giữ chức vụ quyền hạn, việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; tham nhũng trong khu vực công còn rất nghiêm trọng; việc xử lý các vụ việc tham nhũng chưa thực sự tạo được niềm tin trong nhân dân…
Ủy ban kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng cá thể hóa chế độ công vụ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, có cơ chế hữu hiệu loại bỏ khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi tham nhũng, bất kể họ là ai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.