Mặc dù chưa chứng kiến tận mắt cục đá lạ vừa được phát hiện tại Phú Thọ, nhưng căn cứ trên những đặc điểm được miêu tả, một số nhà khoa học khẳng định đó là hóa thạch răng của một loài voi.
Trước đó, ông Hà Văn Đạt, ở thôn 2, xã Phú Thứ (Đoan Hùng, Phú Thọ) trong khi sục máy hút sỏi từ sông Lô đã thu được cục đá có hình kỳ lạ, nặng khoảng 3 kg.
Theo quan sát, trên bề mặt của vật này có nhiều đường rãnh, rất giống tủy để nuôi răng và mặt dưới của nó có màu đen nhánh và bóng. Khi ông Đạt gỡ một mảnh nhỏ, bên trong có màu trắng, đem đốt mẩu đá cháy thành than và có mùi khét.
Nhiều người tò mò đến xem “cục đá” lạ, có người trả ông Đạt gần 10 triệu để sở hữu “cục đá”, nhưng ông không bán.
Khi nghe miêu tả về những điều này, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng Việt Nam cho rằng có thể là hóa thạch răng của một loài voi.
Răng voi có hình dạng, kết cấu giống từng phiến, khớp lại với nhau. Chỉ răng voi mới có trọng lượng lên đến 3kg. Hơn nữa, voi thường ăn cỏ theo nguyên lý chà sát, làm nát thức ăn để nuốt.
TS Vũ Thế Long, Chuyên gia cổ sinh vật học và Môi trường (Viện Khảo cổ học), Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ các chương trình Phát triển Xã hội (Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam), cũng cho biết đây là chiếc răng voi châu Á. Loài này hiện vẫn còn tồn tại trên đất nước ta.
Theo ông Long, loài voi có khả năng bơi trên sông hay vượt biển bởi chúng có bụng to như một cái phao khổng lồ và mũi có thể vươn cao trên mặt nước để thở. Tuy nhiên, cũng vì trọng lượng nặng, nên loài voi này có thể bị chết vì sa lầy.
Voi châu Á (tên khoa học Elephas maximus) hay còn được gọi là voi Ấn Độ, nhỏ hơn voi châu Phi. Cách dễ nhất để phân biệt hai loài này là tai voi châu Á nhỏ hơn và không có ngà. Voi châu Á có chiều cao từ 2 - 4m và cân nặng 3.000 - 5.000 kg. Động vật này được thuần hóa và được sử dụng trong ngành lâm nghiệp trong nhiều thế kỷ qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.