Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các ngành mải miết tranh luận, dân chịu khổ

Hà Phong| 02/06/2010 07:25

(HNM) - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn cho biết, Thông tư số 09 của liên bộ Y tế và Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) gây phiền hà, bế tắc cho người dân.

Nhiều ca tai nạn giao thông đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức phẫu thuật, cứu sống kịp thời. Ảnh: Huyền Linh


Bộ Tư pháp bảo "sai!"
Theo ông Sơn, Luật BHYT quy định, người tham gia bảo hiểm chỉ bị tước quyền chi trả bảo hiểm trong trường hợp tai nạn do hành vi vi phạm của chính người đó gây ra. Tuy nhiên, khoản 3, điều 8, Thông tư 09 lại quy định ngược lại nội dung này của Luật BHYT: "Trường hợp chưa xác định được là có vi phạm pháp luật về giao thông hay không thì người bị TNGT tự thanh toán các chi phí điều trị với cơ sở y tế. Khi có xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người bệnh mang chứng từ đến bảo hiểm xã hội (BHXH) để thanh toán theo quy định".

Cục Kiểm tra văn bản phân tích, ở đây, việc xác định có vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia BHYT thuộc về cơ quan có thẩm quyền, trong đó có BHYT. Trường hợp không chứng minh được có hành vi vi phạm thì bảo hiểm phải thanh toán cho dân chứ không được phớt lờ nhiệm vụ này. Mặt khác, theo quy định của Thông tư 09 thì để được thanh toán bảo hiểm, cần có giấy xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, "cơ quan có thẩm quyền" xác nhận là ai, đồng thời ai là người đưa ra giấy xác nhận này cho BHYT thì thông tư không làm rõ. Cách quy định như vậy dẫn đến sự hiểu nhầm là trách nhiệm này thuộc về người bệnh, gây phiền hà, bế tắc cho người hưởng BHYT. Cũng theo Bộ Tư pháp, có nhiều ý kiến cho rằng cơ quan có thẩm quyền xác nhận là CSGT. Tuy nhiên, qua nghiên cứu luật pháp Việt Nam, có thể thấy, nếu người bị tai nạn có đến xin giấy xác nhận CSGT thì cơ quan này cũng không có cơ sở để cấp. Như vậy, nếu áp dụng điều 8, Thông tư 09 như trên sẽ có nhiều trường hợp người bị TNGT không được hỗ trợ hoặc thanh toán BHYT, ngay cả khi họ không có lỗi.

Cơ quan chuyên ngành nói: "đúng!"

Mặc dù vậy, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế vẫn khẳng định, nội dung hướng dẫn về thanh toán các trường hợp người tham gia BHYT bị TNGT quy định tại Thông tư liên tịch số 09 không trái với tinh thần và nội dung của Luật BHYT. Liên bộ chỉ quy định về nguyên tắc theo đúng tinh thần của luật và các văn bản liên quan, không bó buộc và cũng không "tước bỏ quyền lợi" của người tham gia BHYT. Nếu khách hàng chưa thanh toán tại bệnh viện thì thanh toán sau tại cơ quan BHXH? Tuy nhiên, bà Hương cũng thừa nhận, Thông tư 09 chưa rõ ràng nên khó khăn trong tổ chức thực hiện. Theo bà Hương, giấy xác nhận "không vi phạm giao thông" quy định trong Thông tư 09 có nghĩa là biên bản khám nghiệm hiện trường, thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ TNGT của cơ quan CA.

Luật gia Nguyễn Ngọc Minh khẳng định, không bàn về tính hợp pháp hay phù hợp của Thông tư 09 đối với Luật BHYT, nhưng quy định tại khoản 3, điều 8 của Thông tư 09 là không phù hợp với điều kiện ở nước ta hiện nay. Ông phân tích, Bộ Y tế muốn có biên bản khám nghiệm hiện trường, thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ TNGT của cơ quan CA thì cần nêu rõ là các trường hợp bị TNGT cần có những loại giấy tờ này mới được thanh toán bảo hiểm. Đằng này lại để người dân mải miết tìm giấy xác nhận "không vi phạm giao thông", trong khi đó mẫu giấy này không có trên thực tế. Nhiều câu hỏi được ông Minh đặt ra nữa là, hiện nhiều vụ án được đưa ra tòa án để yêu cầu bồi thường sau TNGT được xác định là do "lỗi hỗn hợp" nghĩa là cả hai bên đều có lỗi. Lúc đó sẽ xác định nạn nhân bị TNGT được hưởng BHYT như thế nào, hay chỉ được hưởng ½ mức chi trả bảo hiểm do cũng "tham gia" vào quá trình gây tai nạn? Trên thực tế, người bị TNGT còn gặp phải nhiều trường hợp oái oăm hơn như TNGT bất ngờ, người gây TNGT bỏ chạy, tự vấp ổ gà té ngã, tai nạn không người chứng kiến... Khi đó sẽ chẳng CSGT nào dám xác nhận bởi không chứng kiến và không có ai làm chứng. Nghĩa là trong rất nhiều trường hợp, người bị nạn sẽ hoàn toàn bị bít cánh cửa được hỗ trợ thanh toán bằng BHYT. Mặt khác, việc xác nhận người bị TNGT có phạm luật hay không theo Thông tư 09 chủ yếu dựa vào CSGT. Dễ dàng nhất là những vụ có sự xuất hiện đúng lúc của CSGT khi dấu vết hiện trường còn nguyên. Nhưng ngay cả khi có CSGT thì trong nhiều vụ, việc xác định bên nào có lỗi, lỗi bao nhiêu cũng không dễ. Đó còn là chưa kể trong nhiều vụ TNGT, lực lượng này không đến kịp.

Rõ ràng, dưới góc độ nhân văn, quy định như vậy cũng không phù hợp với tiêu chí, mục đích của chính sách BHYT là bảo hiểm toàn dân. Vì vậy, Bộ Y tế cần làm hết chức trách của mình trong việc hoàn thiện Thông tư 09,  không nên vô cảm trước người dân. Bởi nói đến bảo hiểm là nói đến tính chất nhân đạo và chia sẻ rủi ro, trong đó tổn thất của cá nhân được bù đắp phần nào từ cộng đồng thông qua cơ quan chi trả bảo hiểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các ngành mải miết tranh luận, dân chịu khổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.