(HNM) - Bất chấp dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tăng trưởng tín dụng ở nước ta vẫn đạt mức cao nhờ kiểm soát tốt dịch trong nước. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu cũng ở mức kiểm soát, dưới 3%. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn tăng dự phòng rủi ro nhằm bảo đảm an toàn hoạt động.
Đến nay, dù chưa có thống kê về tăng trưởng tín dụng 11 tháng năm 2020, nhưng theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 11-2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8.790 nghìn tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019, tăng 10,28%), trong đó tín dụng bằng VNĐ tăng 7,76%, tín dụng ngoại tệ giảm 0,69%.
Về nợ xấu, hầu hết các ngân hàng đều kiểm soát tốt, nên tỷ lệ nợ xấu đều ở dưới 3%, nhưng các đơn vị này cũng đều tăng trích lập dự phòng rủi ro, chấp nhận công bố sụt giảm lợi nhuận. Dự phòng rủi ro tín dụng là chính sách được ngân hàng thiết lập để kiểm soát rủi ro tín dụng. Nợ xấu và chất lượng tín dụng kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro tín dụng.
Theo thống kê, tổng chi phí trích lập dự phòng rủi ro của 28 ngân hàng trong hệ thống đã lên tới hơn 72 nghìn tỷ đồng, nhiều nhất là các “anh cả” trong hệ thống ngân hàng. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đứng đầu danh sách với 15.813 tỷ đồng, chiếm 70% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) trích lập 53% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, tương đương 11.387 tỷ đồng. Hay như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trích lập hơn 6.000 tỷ đồng từ lãi thuần kinh doanh để dự phòng.
Theo lãnh đạo Vietcombank, lợi nhuận ngân hàng này công bố giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước cũng là do trích lập dự phòng rủi ro lớn. Bởi, đối với các ngân hàng gốc quốc doanh như Vietcombank có nhiệm vụ nặng nề hơn các ngân hàng tư nhân trong việc "cứu nguy" nền kinh tế, vì thế mà lợi nhuận cũng chịu tác động nhiều hơn. Mặt khác, các ngân hàng quy mô lớn như Vietcombank cũng khó xoay xở hơn các ngân hàng quy mô nhỏ nên việc trích lập rủi ro là cần thiết.
Không chỉ với các ngân hàng lớn, các ngân hàng có quy mô nhỏ cũng đặc biệt quan tâm đến trích lập dự phòng rủi ro. Chẳng hạn như Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) tăng dự phòng rủi ro gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2019, từ 145 tỷ đồng lên 703 tỷ đồng, ngay cả khi tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này chỉ ở mức 0,83%. Còn với Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh cho biết, đơn vị cũng tăng chi phí dự phòng hơn 400 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm 2020 nhằm bảo đảm ổn định và an toàn.
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn và có thể bị dồn tích lại cho tương lai. Đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp trên thế giới khiến nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực. Càng về cuối năm 2020 và nhất là sang năm 2021, khi những khoản nợ đã được cơ cấu lại phải chuyển nhóm, nợ xấu sẽ tăng. Công tác xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn nếu không có nguồn dự phòng từ trước. Do vậy, việc trích lập từ lợi nhuận của ngân hàng sẽ giúp chủ động ứng phó với rủi ro tín dụng trong tương lai. Ngoài ra, đây là khoản được hạch toán vào chi phí hoạt động, do đó ngân hàng sẽ được khấu trừ vào thuế thu nhập hiện hành trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, khi nợ xấu có nguy cơ phát sinh, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro. "Bài toán" của Ngân hàng Nhà nước là phải vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng không được phá vỡ các tiêu chí về bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Do vậy, nếu như hạ chuẩn cho vay hoặc phá vỡ các tiêu chí về bảo đảm an toàn thì hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn trở lại như đã từng xảy ra trong giai đoạn trước đây. "Khi hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng thì chắc chắn cũng sẽ tác động và gây hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế trong nước, sự ổn định kinh tế vĩ mô", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.