(HNMO) - Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 25/11 về lãi
Các ngân hàng không lãi “khủng”
Trở lại với nội dung về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với các câu hỏi của các đại biểu Phan Văn Quý, Trịnh Thị Thắm, Nguyễn Văn Quyết, Thống đốc làm rõ thêm, đích của công cuộc cơ cấu này là xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, đa dạng về quy mô, loại hình sở hữu, dịch vụ…, trong đó có những ngân hàng đủ sức cạnh tranh ở khu vực; có những ngân hàng đủ sức làm trụ cột trong hệ thống tài chính và có những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ nhưng đủ sức hoạt động trong những phân khúc thị trường nhất định.
“Phương châm tái cấu trúc là thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, tiết giảm tối đa chi phí và tạo sự ổn định, phát huy tối đa nội lực trong nước”, Thống đốc cho biết.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phân nhóm hệ thống ngân hàng thành 3 nhóm: Nhóm tổ chức tín dụng có tài chính lành mạnh, năng lực, quy mô đủ lớn để tiếp tục phát triển làm trụ cột hệ thống trong thời gian tới, dự kiến sau 5 năm sẽ có 15 tổ chức tài chính này và các tổ chức này chiếm 80% thị phần hoạt động của toàn bộ hệ thống ngân hàng, trong đó có 1-2 tổ chức tài chính tầm khu vực; Nhóm có tài chính lành mạnh nhưng có quy mô nhỏ mà không có nhu cầu phát triển cao hơn nữa hoặc không thể phát triển cao hơn; Nhóm có tài chính khó khăn cần tái cấu trúc.
Với nhóm cuối, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện việc thay đổi cổ đông, nâng cao năng lực cổ đông hoặc cho các tổ chức tín dụng trong nước khác tham gia cổ đông, mua lại cổ phần… theo hướng đảm bảo quyền lợi người gửi và sự ổn định tài chính của toàn bộ hệ thống.
Thống đốc cũng cho biết, tùy theo từng nhóm, Nhà nước sẽ áp các tiêu chí hoạt động phù hợp hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Theo lộ trình, từ nay đến Quý 1/2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ định hình rõ 3 nhóm này, giải quyết tốt tính thanh khoản cho những ngân hàng yếu kém. Từ 2012-2013, thực hiện tái cấu trúc. Từ 2013-2015, củng cố xây dựng các nhóm ngân hàng lành mạnh đủ sức làm trụ cột và đến năm 2020, tiếp tục tái cấu trúc, đưa số lượng các tổ chức tín dụng có khả năng cạnh tranh tầm khu vực lên 4 tổ chức và có từ 1-2 tổ chức tín dụng được đưa vào nhóm tổ chức tín dụng lớn của khu vực Đông Nam Á.
Lo lắng của đại biểu Trương Trọng Nghĩa – TP. Hồ Chí Minh về việc đề án tái cơ cấu ngân hàng trên liệu có tạo ra các ngân hàng quá mạnh, có nguy cơ tài phiệt hóa đến mức vô hiệu hóa sự kiểm soát của Nhà nước hay không được Thống đốc trấn an: “Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm rằng không có tổ chức nào to đến nỗi không thể cho đổ vỡ được”.
Theo giải thích của Thống đốc, ngay cả tổ chức tín dụng lớn nhất nước ta thì cũng chỉ nằm ở mức độ yếu kém về quy mô so với các tổ chức tín dụng trong khu vực. Tổ chức tín dụng trung bình trong khu vực hiện cũng có mức tài sản khoảng 100 tỷ USD.
Về các vấn đề liên quan đến lãi suất, Thống đốc cho biết, khi đặt ra trần lãi suất 14%, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, nên quy định chung một trần lãi suất là hợp lý. Đương nhiên, khi đưa ra quy định này, các ngân hàng lớn sẽ có lợi thế, nhưng các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn chưa chắc đã gặp khó khăn nếu có tài chính lành mạnh.
“Chủ yếu khó khăn là với những ngân hàng có tài chính yếu kém bởi không đáp ứng được lòng tin của doanh nghiệp và người gửi tiền nên người gửi có biểu hiện rút vốn, tuy nhiên cũng ở quy mô rất thấp”, Thống đốc cho biết.
Thống đốc cũng khẳng định, không có chuyện ngân hàng lãi lớn khi huy động tiền gửi lãi suất thấp nhưng lại cho vay cao tới trên 19%... Thực tế, khi ngân hàng cho vay lãi suất cao thì các ngân hàng cũng đã vi phạm trong tăng trần lãi suất huy động lên phổ biến ở mức 16-18%, do đó chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và cho vay cũng vẫn chỉ ở mức 2-4%. Từ 17/9/2011, khi Ngân hàng Nhà nước siết lại trần lãi suất, trên thực tế đã giảm được lãi suất huy động từ 2-3% và tạo điều kiện để các ngân hàng cho vay phổ biến ở mức 16-18% đối với các đơn vị sản xuất, còn phi sản xuất thì vẫn cho phép áp dụng mức vay theo thỏa thuận và hiện mức cho vay trung bình khoảng 18-21%.
Trở lại với những con số lãi "khủng" của các ngân hàng, Thống đốc nói: “Nếu nói các ngân hàng lãi quá lớn thì cũng nên có cái nhìn đúng đắn về việc này. Một ngân hàng bình thường cũng có tổng tài sản khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng, vốn điều lệ từ 3.000-5.000 tỷ đồng, mỗi năm lãi 1.000-2.000 tỷ đồng, nếu so với tổng tài sản thì lãi này là thấp”.
Thống đốc cho biết, hiện nhóm ngân hàng cũng chỉ ở nhóm trung bình, đứng thứ 15 về lợi nhuận trong số các doanh nghiệp Việt Nam.
Thống đốc cũng nhận khuyết điểm về việc các chế tài của Ngân hàng Nhà nước cũng như hoạt động thanh tra, giám sát được tiến hành chưa nghiêm, khiến 6 tháng đầu năm nay, mặc dù tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra nhưng không phát hiện và xử lý được bất kỳ trường hợp nào.
“Đây là trì trệ, yếu kém và trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước”, Thống đốc nói.
Thống đốc cũng khẳng định, việc quy định trần lãi suất chỉ là biện pháp hành chính, buộc phải áp dụng khi đất nước gặp khó khăn.
“Có ý kiến cho rằng có nên thêm trần lãi suất cho vay, hay bỏ trần huy động, chỉ quy định trần cho vay hay không… Chúng tôi đã cân nhắc và thống nhất, nếu phải áp dụng trần lãi suất thì nên là huy động vì phù hợp hơn với khả năng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo kinh tế vĩ mô. Nếu áp trần cho vay thì sẽ khó khăn hơn nhiều, các DN bị cào bằng và không phân biệt được đối tượng nào cần khuyến khích và không khuyến khích cho vay”, Thống đốc giải trình thêm.
Về việc lãi suất huy động ngoại tệ thấp nhưng lãi suất cho vay lại cao, Thống đốc cho biết, đây là một bước trong tiến trình chống đô la hóa nền kinh tế. Việc đưa ra lãi suất huy động thấp là nhằm khuyến khích người có ngoại tệ bán ngoại tệ cho ngân hàng hơn là đem gửi, đồng thời áp lãi suất cho vay cao để không khuyến khích các DN vay, mà muốn DN mua tại tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng
Liên quan đến một lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm là vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận, kinh doanh vàng còn nhiều bất cập. Luật quy định Ngân hàng nhà nước thống nhất quản lý vàng nhưng các văn bản dưới luật lại phân khúc hoạt động này, trong đó Ngân hàng nhà nước chỉ quản lý xuất khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng, còn các khâu sau được coi là hàng hóa bình thường và lưu thông như hàng hóa bình thường. Chính quy định này đã gây nhiều bất cập và có thời gian dài, vàng miếng được coi là hàng hóa nên các cửa hàng kinh doanh vàng được quyền “thả sức” kinh doanh.
Tuy nhiên, những bất cập trên chỉ được bộc lộ và nhìn nhận đầy đủ kể từ năm 2008 trở lại đây, khi kinh doanh vàng thế giới đầy biến động, ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Để khắc phục, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành liên quan đã xây dựng nghị định quản lý vàng và đã trình Chính phủ, lấy ý kiến các bộ, ngành để sớm ban hành trong thời gian tới. Hướng sẽ là khuyến khích chế tác vàng trang sức, siết lại một bước kinh doanh vàng miếng theo nguyên tắc nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng.
“Nhóm lợi ích nào bị ảnh hưởng vì chính sách trên là vì đã đi trái lại lợi ích quốc gia nên sẽ không được chấp nhận và tồn tại trong thời gian tới”, Thống đốc nói.
Thống đốc tin tưởng, sau khi các công cụ điều hành được ban hành, thị trường vàng sẽ được quản lý tốt hơn theo nguyên tắc bảo vệ tuyệt đối quyền của người dân về sở hữu, mua bán vàng miếng, được gửi ở những nơi an toàn và có khả năng sinh lãi; đảm bảo vàng đó sẽ được huy động phục vụ quốc kế dân sinh.
Băn khoăn của đại biểu Đào Xuân Huy về việc khi độc quyền Nhà nước về kinh doanh vàng miếng, sẽ xử lý thế nào với Công ty SJC khi hiện công ty này chiếm tới 90% thị phần, Thống đốc cho biết, khi có nghị định về kinh doanh vàng miếng, SJC sẽ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, Nhà nước sẽ vẫn độc quyền trong kinh doanh vàng miếng và tiết giảm được chi phí. Thời gian đầu, nhãn hiệu vàng SJC vẫn sẽ được sử dụng và sẽ là vàng của Ngân hàng Nhà nước, khi có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ đổi tên nhãn hàng để nhân dân yên tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.