Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các ngân hàng chủ động tìm đối tác ngoại

Thanh Nga| 06/02/2021 07:05

(HNM) - Không dồn dập như những năm trước, các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng diễn ra ít hơn trong năm 2020. Tuy nhiên, trong năm 2021, chủ động chọn đối tác ngoại là một định hướng phát triển quan trọng của nhiều ngân hàng.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư ngoại.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại, tuy nhiên, hoạt động mua bán - sáp nhập lĩnh vực này sẽ có nhiều thay đổi. “Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy tiềm năng lớn của mảng ngân hàng số và ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, tới đây, các thương vụ M&A lớn sẽ ít đi, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng mua cổ phần các ngân hàng nhỏ hoặc công ty tài chính có nền tảng công nghệ yếu, mua cổ phần và đầu tư công nghệ để phát triển các dịch vụ ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ, đặc biệt là thanh toán điện tử, cho vay tiêu dùng, tài chính vi mô, bảo hiểm… Các đối tác chủ yếu vẫn đến từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Trung Quốc”, ông Lê Xuân Nghĩa cho hay.

Thực tế là trong suốt thời gian qua, các ngân hàng vẫn đang ráo riết các hoạt động dành cho đối tác ngoại. Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang lên phương án phát hành riêng lẻ 6,5% cổ phần cho đối tác nước ngoài để tăng vốn. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính, bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của Vietcombank. Hay như Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) cũng có kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc Nam A Bank cho biết, ngân hàng sẽ chào bán cổ phiếu riêng lẻ 143 triệu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện, giới hạn cho vay (room) ngoại của Nam A Bank vẫn là 30%.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) cho biết, ngân hàng này đã làm việc với đối tác ngoại đến từ Nhật Bản và Singapore từ năm 2019. Dự kiến, các nhà đầu tư này sẽ mua cổ phần trong đợt phát hành mới để trở thành cổ đông nước ngoài của NCB trong đợt tăng vốn điều lệ tới.

Còn đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Tổng Giám đốc Phạm Doãn Sơn thông tin, đơn vị cũng đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư ngoại. Ngân hàng đã gặp gỡ một số nhà đầu tư và dự kiến trong năm 2021 sẽ hoàn thành việc hợp tác với nhà đầu tư ngoại.

Tiếp tục tìm nhà đầu tư nước ngoài cũng là nội dung ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) chia sẻ. Phần sở hữu từ nhà đầu tư ngoại sẽ không gò bó là đối tác nào, chiến lược, kỹ thuật, hỗ trợ ra sao mà OCB quan tâm nhất vấn đề về giá. Hiện, ngân hàng đã có danh sách các đối tác ngoại muốn đầu tư và sẽ tiếp tục đàm phán.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng từng công bố kế hoạch chào bán riêng lẻ cho cổ đông ngoại là Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Theo Nghị định số 155/2020/ NĐ-CP ngày 31-12-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán cho phép ngân hàng điều chỉnh “room” ngoại thấp hơn mức tối đa quy định với điều kiện được đại hội cổ đông thông qua, thay vì tước quyền tự quyết "room" ngoại như trước. Trước đó, đề xuất tước quyền này đã không nhận được sự đồng tình từ các ngân hàng...

Trong khi đó, nếu "room" này được giữ lại để bán cho đối tác chiến lược, cả ngân hàng và tất cả cổ đông đều được lợi. Vì các tổ chức tài chính quốc tế lớn tham gia đầu tư dài hạn sẽ giúp ngân hàng minh bạch hơn quản trị điều hành, phát triển hơn về mặt công nghệ, khách hàng, sản phẩm... Đồng thời các ngân hàng cũng lo ngại việc mở bung cửa cho vốn ngoại sẽ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của ngành Ngân hàng, an ninh tài chính tiền tệ và thị trường ngân hàng.

Hiện, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa tại các ngân hàng là 30%. Hầu hết ngân hàng đều dùng quyền tự quyết trên để khóa tỷ lệ sở hữu này dưới mức tối đa (30%) và dành phần còn lại phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai. Đây cũng được coi là chiến lược phát triển bảo đảm an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các ngân hàng chủ động tìm đối tác ngoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.