Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các khoản thu đầu năm học: Bao giờ hết "nóng"?

Thống Nhất| 20/09/2010 06:58

(HNM) - Hai tuần sau lễ khai giảng năm học 2010-2011, nhiều trường đã tổ chức họp phụ huynh đầu năm. Ngoài việc phổ biến các nội quy của trường, thông báo hoạt động giáo dục, ký cam kết giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý, giáo dục HS… thì phần thông báo, bàn thảo về các khoản thu - chi vẫn là nội dung gây xôn xao nhất.

Thực tế cho thấy sự bức xúc của phụ huynh nhiều khi không hẳn vì phải đóng góp nhiều, mà là ở sự thiếu minh bạch trong việc sử dụng các khoản thu, đề ra những khoản thu không hợp lý…

Vẫn còn thu gộp, thu dồn

Nhận thức rõ đây là vấn đề nhạy cảm với dư luận và từ thực tế một số vụ việc từng xảy ra, gây bức xúc trong giới phụ huynh học sinh, mấy năm gần đây, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường phải đặc biệt lưu ý khi triển khai việc thu - chi trong dịp đầu năm học. Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện kế hoạch thời gian năm học 2010-2011 (ngày 20-8), Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6585/SGD&ĐT-KHTC hướng dẫn về việc tăng cường quản lý thu - chi, trong đó có nêu rõ đâu là những khoản thu theo quy định, đâu là khoản thu hộ, thu theo thỏa thuận; ai chịu trách nhiệm thu; việc sử dụng các nguồn thu… Yêu cầu được đặt ra là tất cả các khoản thu phải được thông báo công khai bằng văn bản tới từng cha mẹ HS, không được thu gộp nhiều khoản vào đầu năm học.

Đây là yêu cầu đã được quán triệt tới các trường trên địa bàn TP từ vài năm qua, song trên thực tế, việc triển khai thực hiện ở cơ sở còn nhiều điều khiến phụ huynh băn khoăn. Một phụ huynh có con theo học ở Trường THPT Nguyễn Văn Cừ cho biết: Trước khi tổ chức họp phụ huynh, nhà trường gửi thông báo về cho bố mẹ, trong đó nêu rõ danh sách 12 khoản thu, tổng cộng là 1,2 triệu đồng và yêu cầu mỗi gia đình phải cho tiền vào phong bì để nộp lại cho giáo viên chủ nhiệm trong buổi họp phụ huynh. Theo vị phụ huynh này, vấn đề không chỉ ở việc phải nộp một số tiền khá lớn ngay một lúc, mà còn ở chuyện trường đã thu gộp quá nhiều khoản, trong đó không nêu rõ đâu là khoản thu theo quy định, đâu là khoản thu hộ, đóng góp tự nguyện… để phụ huynh có thể lựa chọn. Lại có trường, như Tiểu học Thạch Bàn dường như chưa "thuộc bài" nên trong thông báo gửi phụ huynh HS, ở phần các khoản thu theo quy định và thỏa thuận lại có cả tiền quỹ đội (đây là khoản thu hộ).

Một trong những khoản thu theo thỏa thuận dễ khiến dư luận phàn nàn nhất là quỹ phụ huynh. Để tránh tình trạng mỗi lớp thực hiện một mức thu khác nhau, quá chênh lệch, nhiều trường đã ra quy định khung (thông thường khoảng từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng/HS/năm) tùy theo từng khu vực. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, mỗi trường thực hiện một kiểu. Trường THPT Nguyễn Văn Cừ thu 70.000 đồng/HS/năm cho quỹ phụ huynh trường, 100.000 đồng/HS/năm cho quỹ phụ huynh lớp, ngoài ra còn phải đóng 100.000 đồng tiền quỹ lớp; Trường tiểu học Vĩnh Phúc thu 350.000 đồng/HS/năm cho quỹ phụ huynh trường; Trường THCS Thành Công thu 100.000 đồng/HS/năm tiền quỹ phụ huynh trường, 432.000 đồng/HS/năm cho quỹ lớp…

Không chỉ cần chế tài mạnh

Trả lời báo chí về việc xử lý đối với những trường hợp thu sai quy định, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Từ đầu năm học tới nay, các đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT đã và sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất tại nhiều trường để kịp thời chấn chỉnh vi phạm. Theo quy định, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu - chi trong nhà trường. Vì vậy, nếu thu sai thì trước tiên nhà trường phải trả lại tiền cho phụ huynh; sau đó, tùy theo mức độ vi phạm, hiệu trưởng phải chịu xử lý kỷ luật theo pháp lệnh công chức.

Để có được chất lượng giáo dục tốt, giáo viên, HS cần được dạy - học trong môi trường tốt, đầy đủ trang thiết bị, song trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc thu - chi theo đúng quy định mà TP đã ban hành từ năm 2000 là điều không dễ thực hiện. Với các khoản thu, một số có mức thu bị cho là lạc hậu so với thực tế trong khi yêu cầu nhiệm vụ đào tạo trong giai đoạn mới khá nặng, đòi hỏi các trường phải không ngừng nỗ lực, xoay sở. Vì thế mà có các khoản thu được cho là hợp lý nhưng không hợp pháp. Hợp lý, vì những khoản ấy, mức ấy cần thiết để phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt của HS (như tiền ăn trưa, hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ bán trú, tiền điện, nước sạch); nhưng không hợp pháp bởi đơn giản là chúng không có, hoặc không đúng như trong quy định… Đấy là chưa kể có nơi mượn danh nghĩa thỏa thuận hay tự nguyện để thu sai, thu nhiều, gây bức xúc.

Tại sao tình trạng lạm thu luôn "nóng" mỗi dịp đầu năm học? Thực tế, khi bị phát hiện vi phạm, ngoài việc trả lại số tiền đã thu sai cho HS, dường như chưa có mấy người bị xử lý kỷ luật với "mức án" đủ tính răn đe. Thế nên mới dễ có chuyện tái phạm. Trên các diễn đàn mấy ngày nay, nhiều phụ huynh đã bày tỏ bức xúc: Tại sao Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT không xử lý việc này một cách kiên quyết và mạnh tay hơn? Nếu trường nào thu sai, có bằng chứng rõ ràng, sao không cách chức hiệu trưởng? Xử lý mạnh tay chắc chắn là biện pháp hiệu quả hơn nhiều so với việc cứ ra văn bản, cứ kêu gọi phụ huynh phát hiện tiêu cực…

Để giải quyết bài toán lạm thu, nhiều phụ huynh cho rằng phải chấn chỉnh hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS. Một phụ huynh có con theo học một trường THCS ở quận Hoàn Kiếm phàn nàn: Mới là lớp đầu cấp, song buổi họp phụ huynh đầu năm, sau lời giới thiệu của giáo viên chủ nhiệm, đã có người đứng lên tự nhận làm trưởng ban đại diện cha mẹ HS, sau đó lần lượt vài người khác tự nguyện tham gia ban đại diện cha mẹ HS, rồi thông báo các khoản thu… Trên thực tế, những người tham gia ban đại diện cha mẹ HS thường là những người quan tâm tới con cái, có thời gian và kinh tế tương đối khá giả. Vì nhiều lẽ, không ít nơi đã làm sai quy trình để đi đến sự thỏa thuận, đặt ra các khoản thu, mức thu không hợp lý khiến nhiều người nghĩ rằng họ là người đại diện cho nhà trường chứ chưa thực sự là tiếng nói của đa số phụ huynh. Về việc này, ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: Văn bản hướng dẫn hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS các trường phổ thông TP Hà Nội sắp ban hành với các quy định bắt buộc về nguyên tắc tổ chức ban đại diện cha mẹ HS; sự phối hợp trong các hoạt động giáo dục; quản lý và sử dụng nguồn thu… Văn bản bổ sung đó chắc chắn sẽ giúp hoạt động này ngày càng minh bạch, hiệu quả, giúp cho công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các khoản thu đầu năm học: Bao giờ hết "nóng"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.