(HNM) - Cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành đạo luật đưa bán đảo Crimea và thành phố Sevastopol gia nhập thành phần Liên bang Nga; Đạo luật Hiến pháp liên bang về Crimea gia nhập thành phần Liên bang Nga và thành lập các chủ thể mới: Cộng hòa Crimea và thành phố cấp liên bang Sevastopol.
Tiếp theo, Sắc lệnh thành lập khu vực Liên bang Crimea và bổ nhiệm ông Oleg Belavensev làm Đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại khu vực cũng đã được Tổng thống V.Putin ký. Như vậy, Cộng hòa Crimea đã chính thức trở thành khu vực thực thể thứ 9 của Liên bang Nga. Trước đó, với số phiếu tuyệt đối (155/155 phiếu thuận), Hội đồng Liên bang (Thượng viện) đã thông qua Hiệp ước sáp nhập nước Cộng hòa tự trị Crimea vào Nga và ngày 20-3, Duma quốc gia (Hạ viện) đã thông qua Hiệp ước.
Ngày 22-3, Ukraine đã đơn phương đóng cửa biên giới với Crimea. |
Gần như đồng thời với các bước đi của Nga về Crimea, phương Tây đã thực hiện hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với xứ Bạch dương. Sau Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) cuối tuần qua tuyên bố bổ sung danh sách trừng phạt mới với những người mang quốc tịch Nga và Ukraine, nâng tổng số lên 33 người. Trước đó (ngày 20-3), Mỹ đưa thêm 20 quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp cùng một ngân hàng của Nga vào diện trừng phạt, nâng danh sách trừng phạt lên 31 người. EU, đối tác thương mại lớn nhất của Nga, tuyên bố tiếp tục xem xét trừng phạt nhằm vào các khoản đầu tư và hoạt động kinh doanh của Nga. Tuy nhiên, ngày 21-3, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy, sau phiên họp thượng đỉnh Châu Âu tại Brussels (Bỉ) cho rằng Châu Âu chưa đặt tất cả các quân bài mà mình có lên mặt bàn và EU luôn mong muốn đàm phán hòa bình với Nga… Các nhà lãnh đạo Châu Âu cũng đã bàn biện pháp nhằm giảm bớt sự phụ thuộc nguồn dầu lửa và khí đốt nhập khẩu từ Nga như đã từng tính đến vào năm 2008 khi Nga "phát hỏa" đáp lại cuộc gây hấn ở Georgia.
Cùng với những trừng phạt nhằm vào cá nhân và doanh nghiệp, EU tuyên bố không tham dự cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống V.Putin tại Sochi, Nga vào tháng 6 tới. Thế nhưng, mối quan hệ thương mại đặc biệt Nga - Châu Âu, cùng những khó khăn do cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, cả Châu Âu và Nga đều có vô số lý do để tránh gây tổn hại thêm về quan hệ kinh tế. Nga hiện vẫn là nguồn cung lớn với hơn 31% nhu cầu khí đốt và 35% nhu cầu dầu lửa của EU trong những năm qua.
Các giao dịch toàn cầu mới nhất cho thấy, sản lượng khí đốt của Anh và Hà Lan - hai nhà cung cấp khí đốt gần nhất tới các thành viên EU - dự kiến sẽ sụt giảm trong thời gian tới và nguồn cung khí đốt từ Nga là một lựa chọn khó từ chối với cả EU. Trong khi đó, sự bất ổn tại nguồn cung Bắc Phi như Algeria đang khiến khí đốt qua đường ống Libya - Italia để vào EU luôn ngưng trệ. Hy vọng đa dạng hóa nguồn cung khí cho EU hiện đang chuyển sang bờ bên kia của Đại Tây Dương, nơi nguồn khí đá phiến đang bùng nổ và biến Mỹ trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Nhưng giá vận chuyển đắt đỏ trong khi Châu Âu lại do dự khai thác nguồn năng lượng mới này vì e ngại tác động tới môi trường… Đó là những lý do khiến đòn trừng phạt của Châu Âu và Mỹ dù được tung ra cấp tập trong tuần qua nhằm vào Nga - sau sự kiện Mátxcơva hoàn tất thủ tục tiếp nhận Crimea - nhưng mới chỉ hướng tới một số cá nhân và ngân hàng. Rõ ràng, một đổ vỡ của cả nền kinh tế Nga sẽ là một thảm họa toàn cầu mà các nhà kinh tế từ New York đến London và Paris… không quá khó để nhận ra.
Đáp lại các trừng phạt từ Mỹ và EU, Người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương ứng. Nhưng Điện Kremlin vẫn để ngỏ cánh cửa hợp tác và mong muốn Châu Âu tiếp tục là đối tác kinh tế thương mại hàng đầu cũng như mong muốn phát triển quan hệ với Mỹ. Điều này làm dấy lên hy vọng Nga sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn trong kế hoạch rút quân của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra khỏi Afghanistan trong năm 2014 cũng như vai trò của Mátxcơva trên các hồ sơ còn dang dở như Syria, Iran hay vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên…
Như một bước đi lớn nhằm làm giảm thiểu căng thẳng quan hệ quốc tế sau sự kiện Crimea trở lại bản đồ nước Nga, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon vừa có chuyến thăm chớp nhoáng tới Mátxcơva. Trước báo giới sau cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà (ngày 21-3), Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết ông đã có cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Tổng thống Nga V.Putin; đồng thời, tin tưởng rằng con đường đi tới một giải pháp hòa bình vẫn còn để ngỏ... Trước chuyến thăm "hòa giải" của người đứng đầu LHQ, Tổng thống Mỹ Barack Obama (ngày 19-3) đã đưa ra thông điệp hòa bình khi tuyên bố loại trừ hành động quân sự của Mỹ tại Ukraine. Tuyên bố của người đứng đầu nước Mỹ đã chấm dứt những đồn đoán về một cuộc chiến có thể bùng nổ giữa những người anh em cùng hệ ngữ Slavơ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng khẳng định Washington sẽ nỗ lực để hình thành một liên minh quốc tế đủ mạnh để sự kiện Crimea không leo thang. Và chuyến thăm Châu Âu bắt đầu từ hôm nay (24-3) của người đứng đầu nước Mỹ dẫu có bị đảo lộn bởi tình hình Ukraine liên quan các đồng minh Châu Âu thì các giải pháp ngoại giao để giải quyết bất đồng giữa Washington và Mátxcơva trong vấn đề Crimea vẫn là lựa chọn của lợi ích Mỹ.
Còn quá sớm để khẳng định sự thiệt hại về kinh tế giữa các bên liên quan và tác động toàn cầu sau những gì vừa diễn ra trong cuộc đụng độ địa - chính trị lớn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh mang tên Crimea. Trong bối cảnh như vậy, các biện pháp ngoại giao đều đang được các bên để ngỏ; và xem ra không bên nào muốn bỏ lỡ cơ hội thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Nga khẳng định tuân thủ mọi thỏa thuận tại biên giới với Ukraine Ngày 23-3, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov tuyên bố phía Nga tuân thủ mọi thỏa thuận quốc tế liên quan các hoạt động quân sự ở khu vực biên giới với Ukraine. Ông Antonov đưa ra tuyên bố trên sau khi các cơ quan truyền thông nước ngoài dẫn lời Tư lệnh tối cao NATO tại Châu Âu, tướng không quân Mỹ Philip Breedlove, cáo buộc Nga đang triển khai một lực lượng lớn ở khu vực giáp giới với phía đông Ukraine. Số binh sĩ này lên tới hàng nghìn người và đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Trong khi đó, cùng ngày, hơn 4.000 người ở thành phố Kharkov của Ukraine đã xuống đường biểu tình yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 27-4 về việc đưa Ukraine trở thành nhà nước liên bang. Những người biểu tình coi việc chính quyền lâm thời Kiev ký thỏa thuận liên kết với Liên minh Châu Âu (EU) là bất hợp pháp, đồng thời yêu cầu công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức tại Kharkov. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.