Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các dự án trọng điểm của Thành phố: Tháo gỡ “điểm nghẽn” mặt bằng

Tuấn Lương - Thanh Hải| 13/05/2016 07:31

(HNM) - Lâu nay, thiếu mặt bằng thi công luôn là

Có mặt bằng phục vụ thi công, các dự án trọng điểm mới có thể bảo đảm về đích đúng hẹn. Ảnh: Huy Hùng


Từ đầu năm 2016, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, tăng cường tuyên truyền vận động, đối thoại, nên thay vì phải cưỡng chế, nhiều hộ dân đã tự nguyện bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án khối lượng GPMB lớn đang được Ban Chỉ đạo GPMB thành phố phối hợp với địa phương tập trung thực hiện. Chỉ khi giải quyết được "điểm nghẽn" này thì các dự án trọng điểm mới có thể "về đích đúng hẹn".

Cuối quý II-2016, mốc tiến độ của nhiều dự án

Chiều 11-5, hai hộ dân cuối cùng tại phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng), trong phạm vi GPMB dự án xây dựng đường Vành đai I (đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái), đã chấp thuận bàn giao mặt bằng. Ông Ninh Anh Hải - Trưởng ban Bồi thường - hỗ trợ - tái định cư quận Hai Bà Trưng cho biết: Dự án Vành đai 1 đi qua địa bàn 4 phường là Thanh Nhàn, Thanh Lương, Bạch Đằng và Ô Đống Mác, liên quan tới 678 hộ dân và một số cơ quan. Số hộ dân phải GPMB tương đối lớn, lại phức tạp trong việc xác định nguồn gốc đất, nên các cơ quan chức năng của quận, tổ công tác GPMB, chủ đầu tư cùng chính quyền 4 phường sở tại rất vất vả.

Có những thời điểm, trực tiếp Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng xuống đối thoại với các hộ dân. Đồng thời, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo GPMB thành phố… liên tục, kịp thời có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách phát sinh trong quá trình GPMB, nên phần lớn hộ dân hiểu và chấp thuận phương án bồi thường. Trước tết Nguyên đán 2016, dải phía bắc của dự án đã được hoàn thành để đưa vào khai thác tạm. Nhưng đến tận những ngày đầu tháng 5-2016, khi chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công dải phía nam, thì vẫn còn 2 hộ dân cuối cùng chưa chịu bàn giao mặt bằng. Phải thêm một số đợt tuyên truyền, đối thoại nữa, 2 hộ này mới đồng thuận.

Các đơn vị thi công cống hóa mương Thụy Khuê thuộc dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II. Ảnh: Tuấn Lương


Theo ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) hạ tầng Tả ngạn - chủ đầu tư dự án Vành đai 1, khó khăn trong công tác GPMB đã khiến tiến độ thi công bị ảnh hưởng. Ngay khi được bàn giao mặt bằng, ban đã yêu cầu các nhà thầu tập trung phương tiện, nhân lực, thi công ba ca liên tục để kịp hoàn thành vào cuối quý II-2016 theo đúng tiến độ thành phố chỉ đạo.

Một dự án trọng điểm khác của thành phố cũng đang đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành vào cuối quý II-2016 là dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II. Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban QLDA Thoát nước Hà Nội cho biết: Dự án có khối lượng công tác GPMB rất lớn, lên tới 9.000 hộ dân trải dài trên 8 quận, huyện. Công trình được khởi công từ tháng 11-2008. Đến thời điểm này, ban đã hoàn thành các hạng mục chính như: Trạm bơm Yên Sở nâng công suất từ 45m3/s lên 90m3/s; cải tạo 11/13 hồ điều hòa; 52 tuyến cống, với khoảng 25km trên các tuyến phố; trạm xử lý nước thải công suất 13.300m3 ở hồ Bảy Mẫu... Một số hạng mục bị chậm tiến độ do không có mặt bằng, hoặc mặt bằng bàn giao kiểu "xôi đỗ" rất khó triển khai máy móc. Hiện Ban đang cùng với các địa phương tập trung tháo gỡ, giải quyết các "điểm nghẽn" về mặt bằng; đồng thời với những đoạn đã được bàn giao, đẩy nhanh tiến độ thi công, để phấn đấu cơ bản hoàn thành vào cuối quý II-2016, kịp đưa vào phục vụ thoát nước mùa mưa.

Giải quyết đồng bộ

Ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội cho biết: "Công tác GPMB liên quan quyền lợi của người dân nên vô cùng khó khăn. Nhiều dự án, người dân thậm chí không cho cán bộ kiểm đếm diện tích, buộc chính quyền địa phương phải ban hành quyết định cưỡng chế". Cũng theo ông Thiều, nguồn vốn bố trí cho GPMB, quỹ nhà tái định cư (TĐC) nhiều dự án còn thiếu hoặc không bố trí kịp thời. Phương án bồi thường, hỗ trợ đã phê duyệt, được người dân đồng thuận, nhưng lại thiếu tiền chi trả, nhà TĐC để di dời, làm ảnh hưởng tiến độ thu hồi đất bàn giao mặt bằng.

Ngoài ra, một số dự án trọng điểm chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ và thành phố, như: Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II, dự án mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, dự án đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), Khu công nghệ cao Hòa Lạc... mà nguyên nhân chính là do chất lượng xác nhận nguồn gốc đất đai của UBND cấp phường, xã nơi thu hồi đất, làm cơ sở cho việc lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, chưa đạt yêu cầu.

Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã phê duyệt được 6.600 phương án GPMB với số tiền 1.928 tỷ đồng, bố trí TĐC cho 158 trường hợp; đã chi trả 1.531 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ 5.801 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và giao 57 căn hộ, lô đất TĐC cho hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở; đã nhận bàn giao mặt bằng 203ha đất của 169 dự án…


Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn, có dự án việc lập, phê duyệt phương án GPMB trôi chảy, nhưng quỹ nhà TĐC chưa bố trí được ngay. Quận đề nghị phương án tạm cư nhưng người dân không đồng tình, muốn bố trí TĐC một lần nên việc GPMB dự án lâm vào thế khó.

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp nêu, có trường hợp phải cắt xén nhà, diện tích còn lại không đủ điều kiện bố trí TĐC, trong khi số nhân khẩu đông nên chật chội. Trường hợp này, nếu được giải quyết bố trí căn hộ TĐC thì việc vận động người dân thuận lợi hơn.

Theo ông Trương Quang Thiều, số dự án trọng điểm phải triển khai GPMB từ giờ đến cuối năm rất lớn, khối lượng phương án phải phê duyệt khá nhiều. Để bảo đảm tiến độ GPMB, trước hết, chính quyền địa phương phải bám sát các yêu cầu tiến độ của từng dự án; chủ đầu tư và các đơn vị được giao nhiệm vụ GPMB phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các điều kiện về vốn, quỹ nhà TĐC, theo đúng yêu cầu. Được biết, nhiều địa phương cũng kiến nghị, chủ đầu tư, nhà thầu phải quyết liệt hơn trong thi công do thời gian qua, có tình trạng dự án được bàn giao mặt bằng, đã quây rào nhưng thi công chậm trễ, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, việc tuyên truyền, thuyết phục các hộ dân phải GPMB bị ảnh hưởng. Giải quyết đồng bộ những vấn đề tạo nên "điểm nghẽn" này, chắc chắn việc bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm hoàn toàn khả quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các dự án trọng điểm của Thành phố: Tháo gỡ “điểm nghẽn” mặt bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.