Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các DN Việt Nam cần chuẩn bị để hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN

Đình Hiệp| 09/11/2015 06:42

(HNMO) - Ông Prince Michael, người sáng lập và Chủ tịch của Mạng lưới thông tin Địa chính trị toàn cầu (GIS) - một mạng lưới uy tín có trụ sở tại Liechtenstein chuyên tư vấn về các xu hướng địa chính trị trên thế giới; đồng thời là Chủ tịch của Viện nghiên cứu Châu Âu (ECAEF) đã chia sẻ như vậy...



Vậy cơ hội và thách thức nào với các doanh nghiệp Việt Nam khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành vào cuối năm nay? Ông Prince Michael cho biết: “Như tôi đã nói ở trên, các doanh nghiệp sẽ phải có sự chuẩn bị. Năng lực cạnh tranh chính là chìa khoá cho thành công. Các thị trường trở nên rộng lớn hơn, lợi thế kinh tế nhờ quy mô có thể phát huy tác dụng. Sự cạnh tranh trong chất lượng và giá cả của hàng hoá và dịch vụ đến từ các nước thành viên tăng lên nên buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng để hoàn thiện hơn và hoàn hảo ở mức tối đa. Điều này nghe có vẻ khó nhưng là một quá trình cần thiết mà nhờ đó Việt Nam sẽ ở vị thế thuận lợi. Như trường hợp ở châu Âu, trong khối ASEAN các nền kinh tế sẽ ở những nấc phát triển khác nhau. Đây là một thách thức nhưng đừng vì thế mà trì hoãn quá trình đó lại. Đó là một cơ hội cho các doanh nghiệp hợp tác với các nước khác, mở rộng thị trường và giúp đỡ nhau để đạt được các quy chuẩn cần thiết. Nếu nhìn vào những cơ hội này thì nỗ lực cũng là điều đáng làm”.

Ông Prince Michael cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Nền kinh tế này đã nhanh chóng phát triển từ mô hình nông nghiệp nông thôn sang mô hình kinh tế dịch vụ và công nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn luôn là một nhân tố quan trọng trong thương mại thế giới. Thị trường tiềm năng là thế giới và khối ASEAN là một bệ phóng lí tưởng cho sự thành công của các thoả thuận thương mại. Các thị trường tiềm năng tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực và phụ thuộc vào khả năng chúng ta có thể cung cấp được gì và nhu cầu của thị trường là gì. Việt Nam có thể đặt ra các chỉ số để đo độ thành công của các doanh nghiệp (các hợp đồng thương mại hay cơ sở hạ tầng). Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải tự tìm thị trường cho chính họ.

Đánh giá về triển vọng của Cộng đồng kinh tế ASEAN sau khi được hình thành vào cuối năm nay, ông Prince Michael cho biết: Nếu chúng ta nhìn vào lịch sự của Liên minh Châu Âu (EU) thì đó là một quá trình mà các quốc gia thành viên thích nghi lẫn nhau. Nó mang lại thêm nhiều sự cạnh tranh cũng như sự hài hoà trong các quy định. Quá trình này mang đến sự phát triển và tăng trưởng lâu dài. Đối với các doanh nghiệp hay lĩnh vực vốn được bảo hộ, thì họ có thể gặp phải khó khăn ở thời gian đầu. Nhưng thị trường và cơ hội dành cho họ theo đó mà tăng lên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khu vực sẽ có thêm năng lực cạnh trạnh trên sân chơi quốc tế. Tuy nhiên, điều đặc quan trọng là cần phải duy trì một cuộc canh tranh tuân theo những quy định bắt buộc giữa các quốc gia thành viên để tránh những mâu thuẫn hoặc vi phạm.

Theo ông Prince Michael, để nền kinh tế Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc không đơn giản. “Trung Quốc đang và sẽ là một đối tác quan trọng và có thể sẽ vẫn duy trì vị thế là đối tác thương mại chính của toàn khối ASEAN. Vì thế sẽ luôn có sự phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ nhất định. Liều thuốc tốt nhất để Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc là có năng lực cạnh tranh để Trung Quốc, vì lợi ích sống còn của mình mà phải chủ động duy trì quan hệ kinh tế với Việt Nam và các đối tác. Trong bối cảnh này, cộng đồng ASEAN đóng vai trò vô cùng quan trọng” – ông Prince Michael nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các DN Việt Nam cần chuẩn bị để hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.