(HNMO) - Mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam đang được dần cải thiện dù còn một số do dự.
Chỉ số kinh doanh trong quý này đã tăng từ 48 lên 50 điểm – sau 3 quý dưới 50 điểm. Đây là sự gia tăng tiên tục lần thứ 2 và điều này thể hiện các DN châu Âu đang dần lấy lại lòng tin vào thị trường Việt Nam.
Các chỉ số chính thể hiện hướng tăng trưởng này bao gồm triển vọng kinh doanh đã cải thiện, sự gia tăng doanh thu/đơn hàng và sự lạc quan về triển vọng kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là chỉ số kinh doanh của DN vẫn ở mức 50, còn xa so với mức điểm cao nhất 79 điểm vào năm 2011 và sự cải thiện qua hai quý gần đây vẫn còn hạn chế, mỗi quý tăng 2 điểm.
Hơn nửa số DN tham gia vào cuộc khảo sát thuộc ngành dịch vụ, một phần tư thuộc ngành sản xuất, phần còn lại là thương mại và các ngành khác.
DN có kế hoạch tăng đầu tư vào VN
Xét về tương lai, triển vọng kinh doanh từ phía các DN phản hồi được nhận định là có một sự cải thiện đánh kể. Số lượng hội viên hy vọng sẽ có sự gia tăng tích cực tăng từ 30% đến 43%. Sự gia tăng này có thể được hiểu do tiến trình đàm phán đang diễn ra của Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam. Tuy nhiên, 57% phản hồi vẫn đánh giá triển vọng kinh doanh của họ là “trung bình” hoặc “tiêu cực”.
Bên cạnh đó, các kế hoạch đầu tư theo báo cáo vẫn dường như đang được cải thiện. Các DN đang có kế hoạch “tăng đáng kể đầu tư” tăng gấp đôi so với quý trước từ 7% lên đến 13%. Nhìn tổng thể, các kế hoạch đầu tư được đánh giá tích cực hơn cách đây 1 năm. 76% doanh nghiệp phản hồi hy vọng giữ nguyên hoặc tăng mức đầu tư, trong khi cách đây 1 năm số doanh nghiệp có phản hồi tương tự là 72% và số doanh nghiệp có kế hoạch tiếp tục cắt giảm đầu tư giảm xuống còn 19%, con số này của quý trước là 24%. Điều này một lần nữa chỉ ra sự phục hồi lòng tin vào tương lai của Việt Nam về mặt trung hạn và các sáng kiến của Chính phủ đang củng cố lòng tin và sự lạc quan ngày càng tăng.
Mặt khác, 84% DN phản hồi đánh giá đơn hàng/doanh thu của họ vẫn ổn định hoặc có cải thiện. Sự phát triển tích cực này cũng tạo ra một tác động tích cực trong các kế hoạch tuyển dụng. 39% DN hy vọng tăng số lượng nhân viên và chỉ có 14% cho rằng họ sẽ giảm – đây là một tỷ lệ rất tích cực. Các sáng kiến của Chính phủ và triển vọng về một Hiệp định thương mại bền vững giữa EU và Việt Nam dường như đã tạo ra sự gia tăng lòng tin vào nền kinh tế Việt Nam.
Lo ngại của DN về lạm phát đang có chiều hướng giảm
65% DN cho rằng lạm phát không tác động hoặc có nhưng hạn chế đến công việc kinh doanh của họ trong trung hạn so với 55% của quý trước và tăng so với mức 43% của năm trước. Khi được hỏi về mức lạm phát, các thành viên cho rằng lạm phát sẽ dừng ở mức 5,13%. Con số này rất sát so với dự đoán của quý trước là 5,12% và giảm 0,5% so với năm trước khi mức lạm phát được dự doán là 5,63%.
Bên cạnh đó, 52% DN phản hồi tin rằng nền kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong tương lai. Đó là những điều chưa có trong các chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu từ năm 2011.
Mặt khác, 50% DN hy vọng tác động tích cực của Hiệp định thương mại tự do trong công việc kinh doanh của họ; 18% phản hồi có tác động “rất tích cực” và chỉ 3% e ngại Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam có tác động tiêu cực đến công việc kinh doanh của họ và điều này liên quan đến các vấn đề về quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Hiệp định thương mại tự do được DN đánh giá quan trọng nhất trong “việc thực thi các quy định hiện hành” (32%) và giải quyết “thuế quan nhập khẩu” (27%). Những ưu tiên tiếp theo là “giấy phép lao động” (16%), “dễ dàng mở công ty tại Việt Nam” (11%) và các vấn đề về “quyền sở hữu trí tuệ” (5%).
Giám đốc điều hành EuroCham, ông Paul Jewell nói thêm rằng: “Chỉ số môi trường kinh doanh đã cho thấy sự cải thiện liên tục của các chỉ số trong lần thứ 2. Có vài điều thực tế chúng ta chưa bao giờ thấy kể từ khi cuộc khảo sát được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2010. Đây là dấu hiệu rất tích cực vì nó cho thấy các DN châu Âu đang dần dần lấy lại lòng tin vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng cũng cần phải lưu ý là chúng ta vẫn chỉ đang ở điểm trung bình. Nói cách khác, chúng ta mới đi được nửa chặng đường, và chỉ số kinh doanh cần phải cải thiện đáng kể nếu Việt Nam muốn duy trì vị thế cạnh tranh trong khối Đông Nam Á”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.