Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các địa phương miền Bắc: Căng sức chống bão và mưa lớn

Chí Kiên, Y Linh| 24/06/2013 05:39

(HNM) - Ngày và đêm 23-6, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, tại các tỉnh miền Bắc đã có mưa lớn, có nơi lên đến 300mm.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn, nhiều nơi đã mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 70mm đến 120mm. Tối qua 23-6, bão số 2 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây bắc và lệch dần về hướng Bắc Tây bắc, hướng thẳng vào đất liền khu Đông Bắc Bắc bộ với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Khi áp sát đất liền, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Rạng sáng nay (24-6), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực đất liền các tỉnh ven biển phía Đông Bắc bộ, trọng tâm là Hải Phòng, Quảng Ninh và Nam Định với sức gió mạnh cấp 6 (từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Hệ thống trạm bơm đã sẵn sàng ứng phó với mưa bão. Ảnh: Thái Hiền


Trước khi "đón" bão, các địa phương ven biển miền Bắc đã khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, chằng chống nhà cửa, di dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, khẩn trương gia cố lại các đoạn đê xung yếu, đầm nuôi trồng thủy sản, đồng thời lên phương án cụ thể để ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Cơ quan khí tượng thủy văn tiếp tục dự báo, ở các tỉnh Bắc bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, các tỉnh vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Tại Hà Nội, từ sáng 23-6 đã xảy ra mưa trên diện rộng. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc bộ, do ảnh hưởng của bão số 2, khu vực Hà Nội sẽ có lượng mưa từ 50 đến 100mm. Kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại các trạm bơm Vân Đình (Ứng Hòa), Khai Thái (Phú Xuyên) và Đông Mỹ (Thanh Trì) vào sáng 23-6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt lưu ý các huyện và các công ty thủy lợi chủ động thực hiện phương án chống lũ đã được lập; kiểm tra, rà soát hệ thống máy bơm, bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, tiếp tục tiêu kiệt nước đệm trong nội đồng, khơi thông kênh, cống tiêu và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong mưa bão. Trước tình hình một số huyện đang triển khai cấy vụ mùa, trong đó Phú Xuyên và Ứng Hòa đã cấy được khoảng 70% diện tích, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt yêu cầu các địa phương bảo vệ diện tích mạ hiện có và chuẩn bị sẵn phương án cung ứng giống lúa nếu xảy ra tình trạng ngập úng, hư hỏng lúa mới cấy.

Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, khoảng 300 trạm bơm đầu mối do các công ty thủy lợi đảm nhận, với tổng công suất bơm khoảng 4,1 triệu mét khối/giờ và hơn 300 trạm bơm do các quận, huyện, thị xã quản lý đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tiêu úng khi có tình huống xảy ra. Về tình hình đê điều, vào hồi 6h30 ngày 23-6, tại điểm K5+300, trên đê Hữu Hồng, xã Liên Mạc (huyện Từ Liêm) đã xuất hiện cung sạt mái đê ở phía đồng dài 2,5m, sạt sâu khoảng 1m. Ngay sau sự cố xảy ra, Ban chỉ huy PCLB huyện Từ Liêm và Hạt Quản lý đê số 1 đã tiến hành xử lý xong sự cố, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn đê điều.

Nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 2, Hải Phòng đã huy động lực lượng gần 37.000 người tham gia chống bão. Trong đó, lực lượng do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đảm nhiệm và hiệp đồng là 7.300 người; 328 xe ô tô các loại, 107 tàu, xuồng cao tốc và 4 xe thiết giáp. Lực lượng do Bộ đội biên phòng đảm nhiệm và hiệp đồng bố trí là 225 người; 14 tàu, 41 xuồng, 19 xe ô tô các loại... Ngoài ra, toàn bộ phương tiện hoạt động trên vùng biển Hải Phòng cũng đã về nơi trú tránh bão và được neo đậu an toàn. Tại Nam Định, các lực lượng chức năng tỉnh đã hoàn thành việc di chuyển người già, phụ nữ mang thai và trẻ em cùng những người không còn sức lao động tại những vùng đê biển xung yếu, cửa sông, ven biển, các chòi canh thủy sản đến nơi an toàn. Tại Nghệ An, UBND huyện Tương Dương cho biết, rạng sáng 23-6, tại khu vực khe Nậm Khiên (xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn) đã xảy ra lũ cuốn, khiến hai người dân ở huyện Tương Dương mất tích.

l(HNM) - Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội cho biết, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của công ty cùng lực lượng xung kích 150 người (gồm 8 đơn vị trực thuộc) và phương tiện xe thang, xe cẩu, xe tải, cưa máy đã triển khai chế độ ứng trực 24/24 giờ từ tối 21-6. Từ ngày 23-6, công ty đã điều động phương tiện tập kết tại 2 điểm là Công viên Bách Thảo và Vườn ươm Thụy Khuê, sẵn sàng làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa bão. Trước đó, công ty đã tiến hành cắt tỉa hàng nghìn cây xanh trên đường phố, chặt hạ thay thế các cây sâu mục đề phòng gãy đổ.

* Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đã có công điện đôn đốc các đơn vị trực thuộc ứng trực 100% quân số, phương tiện, sẵn sàng đối phó khi có mưa lớn. Sáng 23-6, Xí nghiệp Cụm trạm bơm đầu mối Yên Sở đã chủ động hạ mực nước hồ điều hòa Yên Sở và các kênh dẫn, kênh bao, các con sông thoát nước theo phương án. Các Xí nghiệp Thoát nước 1-2-3-4-5-6 hạ mực nước tại các hồ điều hòa được phân công quản lý, đồng thời bố trí nhân lực, phương tiện khơi thông dòng chảy, thu gom rác thải. Toàn bộ phương tiện, nhân lực đều trong tình trạng sẵn sàng triển khai tại các điểm úng ngập khi có mưa lớn và giải quyết điểm phát sinh khi có yêu cầu. Từ trưa 23-6, Hà Nội đã có mưa, tuy nhiên tính đến chiều, tối, lượng mưa chưa đủ lớn để gây úng ngập. Do ảnh hưởng của bão, Hà Nội có thể có mưa từ 100 đến 150mm, vượt khả năng đáp ứng tiêu thoát của hệ thống thoát nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương miền Bắc: Căng sức chống bão và mưa lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.