(HNMO) - Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã khép lại sáng nay, 29-12, sau 1,5 ngày làm việc, với chủ đề năm 2021 được thông qua là: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”. Trong năm 2020, Hà Nội có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Nhận diện rõ các thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Hà Nội đang quyết tâm rất cao để cùng cả nước tiếp tục ghi những dấu ấn mới trong năm 2021. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới về sự sẵn sàng triển khai nhiệm vụ, với tinh thần hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn của các sở, ngành, địa phương thuộc thành phố.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong:
Giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, dân sinh
Năm 2020, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội cả nước, nhưng nhờ sự quyết liệt triển khai đồng bộ, đến nay, Sở Xây dựng đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 của thành phố đạt kết quả rất đáng ghi nhận. Đến tháng 12-2020, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 26,8m2/người, vượt sớm mục tiêu 26,3 m2/người (đến năm 2020) theo chỉ tiêu Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và vượt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân của cả nước (25m2/người). Công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị có những chuyến biến tích cực, giải quyết được nhiều trường hợp vi phạm, tồn đọng; hạn chế các vi phạm mới phát sinh và không để xảy ra các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội...
Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Sở Xây dựng đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch; quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung chỉ đạo rà soát các thủ tục hành chính, các văn bản pháp quy theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian, công khai, minh bạch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Hiện, Sở đang tập trung cao độ cho việc hoàn chỉnh đề cương, dự thảo Chương trình công tác số 03-CTr/TU của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025" để trình ban hành trong quý I năm 2021; đồng thời, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng công tác quản lý kinh tế - kỹ thuật ngành, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, dân sinh...
Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Nguyễn Khắc Hiền:
Hà Nội không chủ quan, lơ là với dịch Covid-19
Từ một địa bàn nóng với số ca mắc Covid-19 dẫn đầu cả nước, đến nay, đã hơn 4 tháng, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới tại cộng đồng. Kết quả này có được là nhờ những giải pháp quyết liệt được thực hiện từ rất sớm như tổ chức xét nghiệm rộng rãi, cách ly, khoanh vùng nghiêm ngặt... Đặc biệt, cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã thể hiện rõ sức mạnh tinh thần đoàn kết, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố.
Cùng với các lực lượng xung kích - các y, bác sĩ, công an, quân đội thì tại các địa phương, sự quyết liệt của các cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ ở thôn, xóm, tổ dân phố đã góp phần vào thành công bước đầu của thành phố trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch trên thế giới, từ nay đến Tết Nguyên đán 2021 và xuyên suốt cả năm 2021, nhiệm vụ chống dịch Covid-19 vẫn được đặt lên mức cao nhất.
Cụ thể, các đơn vị tiếp tục duy trì thường trực 24/24 giờ và 24/7 đội đáp ứng nhanh công tác phòng, chống dịch bệnh; trực tư vấn đường dây nóng phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện quản lý tốt người nhập cảnh để phòng, chống dịch Covid-19 xâm nhập.
Tại các quận, huyện, thị xã, tiếp tục tăng cường kiểm tra, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là tuyên truyền để người dân thực hiện tốt thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).
Cùng với đó, tại các địa phương cũng phải quyết liệt triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng..., không để "dịch chồng dịch".
Sở Y tế cũng sẽ tiếp tục kiểm tra các bệnh viện trong và ngoài công lập hoạt động trên địa bàn thành phố; kiên quyết tạm dừng hoạt động của các bệnh viện không bảo đảm an toàn trong phòng dịch.
Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến:
Giữ vững tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Trong năm 2020, với sự vào cuộc chủ động của cả hệ thống chính trị, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và thành phố, quận Ba Đình đã khống chế thành công dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Cùng với đó, quận đã thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, thu ngân sách năm 2020 ước đạt 6.953 tỷ đồng, bằng 100,3% dự toán thành phố giao; giải quyết dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực...
Là địa bàn có trụ sở các cơ quan đầu não của Trung ương, thời gian tới, quận Ba Đình sẽ bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XXVI Đảng bộ quận và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, tập trung đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình công tác toàn khóa của Quận ủy ngay từ những ngày đầu năm 2021.
Đồng thời, quận triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 với những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên; giữ vững tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Quận Ba Đình cũng chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu:
Cấp ủy, chính quyền phải sâu sát cơ sở
Trong năm 2020, kinh tế trên địa bàn quận Thanh Xuân tiếp tục tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất ước đạt 85.478 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn từ diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ chủ động xây dựng 3 kịch bản thu - chi ngân sách nhà nước để ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch, phục vụ chỉ đạo, điều hành, nên đến ngày 24-12-2020, thu ngân sách trên địa bàn đã đạt 102% dự toán thành phố giao.
Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội lần thứ VI Đảng bộ quận Thanh Xuân; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ tháng 7-2021, quận Thanh Xuân xác định có những thuận lợi đi kèm khó khăn, thách thức. Trong đó, hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị tuy đã được tập trung đầu tư phát triển, nhưng chưa theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học; công tác quản lý đô thị còn nhiều khó khăn, nhất là những bất cập trong quản lý, quản trị các tòa nhà chung cư...
Để phát huy kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, quận Thanh Xuân đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai ngay từ đầu năm tới. Trong đó, chính quyền từ quận tới địa bàn dân cư phải sâu sát cơ sở, khắc phục các tồn tại, hạn chế đã nêu để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của năm 2021, góp phần lập thành tích chào mừng 25 năm Ngày thành lập quận Thanh Xuân, đóng góp chung vào thành tích của Thủ đô.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân:
Tập trung hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, nhưng Gia Lâm đã nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu nổi bật: Tổng thu ngân sách ước đạt 7.936,9 tỷ đồng, bằng 213,3% dự toán giao; huyện không còn hộ nghèo; huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã Yên Viên, Phù Đổng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...
Năm 2021, hướng tới hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện trở thành quận, Gia Lâm quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức 18/18 chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao, đặc biệt là tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Đồng thời, huyện cũng tập trung thực hiện 7 giải pháp cụ thể, như: Tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tăng cường công tác lập và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.