(HNMO) – Hai đảng cầm quyền Hy Lạp, vốn ủng hộ các biện pháp thắt lưng buộc bụng, đã bị mất đa số ghế của mình tại quốc hội trong cuộc bầu cử hôm qua, 6/5.
Với gần như tất cả số phiếu đã được kiểm đếm, Đảng Dân chủ trung hữu đang dẫn đầu với 19% cử tri ủng hộ, giảm so với mức 33,5% hồi năm 2009.
Đảng Pasok trung tả đứng vị trí thứ ba với 13,3%, giảm so với mức 43,9% trong cuộc bầu cử trước. Liên minh cánh tả Syriza đứng vị trí thứ hai với 16,7%.
Pasok và Dân chủ mới đã được liên minh kể từ cuối tháng mười một.
Sự giận dữ đã lan rộng khắp Hy Lạp khi các biện pháp khắc khổ được chính phủ thực thi để đổi lấy các gói cứu trợ quốc tế.
Đảng Syriza đã phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.
Đảng Bình Minh vàng phát xít mới có thể vào quốc hội lần đầu tiên nếu họ được gần 7% số phiếu ủng hộ.
Nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Antonis Samaras cho biết, ông sẽ thành lập chính phủ cứu độ quốc gia để giữ cho đất nước ở trong khối đồng euro.
Nhưng ông cho biết, ông sẽ tìm cách "sửa đổi" thỏa thuận cứu trợ của EU-IMF gây tranh cãi dành cho Hy Lạp để thúc đẩy tăng trưởng.
Nhà lãnh đạo đảng Syriza, Alexis Tsipras cho biết ông muốn tạo thành một liên minh cánh tả để từ chối các điều khoản của kế hoạch giải cứu Hy Lạp.
"Các đảng đã ký biên bản ghi nhớ (với EU và IMF) hiện chỉ là thiểu số. Phán quyết của công chúng đã bác bỏ tính hợp pháp của họ”, ông nói.
"Đề xuất của chúng tôi là một chính phủ cánh tả, mà với sự ủng hộ của người dân, sẽ phủ nhận biên bản ghi nhớ và chấm dứt quá trình định trước của nước chúng tôi đối với sự khắc khổ".
Nhà lãnh đạo đảng Pasok lãnh đạo và cựu bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos đã kêu gọi một chính phủ liên minh của các đảng ủng hộ châu Âu.
"Một chính phủ liên minh của hệ thống hai đảng sẽ không có đủ tính hợp pháp hoặc uy tín trong nước và quốc tế nếu nó chỉ giành được đa số mỏng manh", ông nói.
"Một chính phủ đoàn kết dân tộc với sự tham gia của tất cả các đảng nghiêng về châu Âu, bất kể vị trí của họ đối với các thoả thuận vay, sẽ có ý nghĩa".
Ông nói thêm: "Đối với chúng tôi trong đảng Pasok, hôm nay là ngày đặc biệt đau đớn. Chúng tôi đã biết cái giá sẽ là nặng nề và chúng tôi đã có thời gian dài chịu đựng nó”.
Đảng Pasok nắm quyền lực khi Hy Lạp đã đàm phán các điều khoản cho gói cứu trợ tài chính năm 2010 trị giá 110 tỷ euro và là một liên minh với đảng Dân chủ mới khi đảng này bảo đảm hợp đồng vay 130 tỷ euro trong năm nay.
Về vị trí thứ tư là đảng Hy Lạp độc lập cánh hữu mới với 10%.
Lãnh đạo đảng này, Panos Kammenos, đã loại trừ khả năng hợp tác với một trong hai đảng Pasok hoặc Dân chủ mới, tờ Athens News đưa tin.
Các cuộc đàm phán liên minh có thể diễn ra trong ba ngày. Nếu thất bại, đảng ở vị trí thứ hai có thể thử tạo một liên minh, và nếu vẫn không thành công, đảng thứ ba sẽ nhận nhiệm vụ này.
Nếu vẫn không có liên minh nào được hình thành, Hy Lạp sẽ tổ chức một cuộc bầu cử khác.
Khả năng bất kỳ chính phủ mới nào thực hiện chương trình thắt lưng buộc bụng sẽ rất quan trọng cho việc Hy Lạp tiếp tục tiếp cận các quỹ cứu trợ tài chính từ EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - được gọi là Troika.
Bất kỳ sự bất ổn chính trị nào có thể làm dấy lên những câu hỏi mới về vị trí của nước này trong khu vực châu Âu.
Theo kế hoạch hiện tại, một khoản 11 tỉ euro khác về tiết kiệm chi tiêu dự kiến phải được thiết lập trong tháng 6.
Othan Anastasakis, giám đốc nghiên cứu nam đông Âu tại Đại học Oxford, cho biết, sẽ là điều chưa từng có nếu không có đảng nào giành được hơn 20% phiếu bầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.