(HNM) - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2013 doanh thu trong lĩnh vực viễn thông đạt 9,9 tỷ USD. Trong đó hai tập đoàn VNPT và Viettel đạt doanh thu, lợi nhuận ở mức
Năm 2013, mặc dù nền kinh tế trong nước chưa hết khó khăn, cộng với việc bị thất thu do dịch vụ OTT (nhắn tin, gọi điện miễn phí qua di động) phát triển, song ngành viễn thông tiếp tục đạt doanh thu và tăng trưởng khá với tổng doanh thu 9,9 tỷ USD. Trong đó, tổng doanh thu của VNPT đạt khoảng 119.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 7.894 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 9.300 tỷ đồng. Tập đoàn Viettel đạt doanh thu khoảng 163.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 26.400 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 13.600 tỷ đồng. Đem lại nguồn doanh thu và lợi nhuận chủ yếu cho cả hai tập đoàn là lĩnh vực kinh doanh viễn thông.
Việc tăng giá cước dịch vụ 3G đang được dư luận quan tâm. Ảnh: Thanh Hải |
Không ít người đặt câu hỏi, lãi "khủng" như vậy mà sao các tập đoàn viễn thông vẫn thực hiện tăng giá cước dịch vụ 3G (bắt đầu từ tháng 10-2013) trong điều kiện kinh tế trong nước tiếp tục khó khăn và thu nhập của người dân giảm? Thậm chí có thông tin, năm 2014 cước 3G còn tiếp tục tăng. Tại cuộc tọa đàm về "Triển vọng thị trường viễn thông năm 2014" tổ chức ngày 30-12-2013, câu hỏi này đã được đặt ra. Theo đại diện Cục Viễn thông, Luật Cạnh tranh quy định, doanh nghiệp (DN) phải tách riêng doanh thu dịch vụ dữ liệu (data) với doanh thu dịch vụ thoại và cấm bù chéo các dịch vụ với nhau cũng như chỉ rõ các DN chiếm thị phần thống lĩnh thị trường không được phép bán hàng hóa dưới giá thành. Do vậy, việc tăng cước 3G trong năm 2013 là để bảo đảm các nhà mạng không cung cấp dịch vụ dưới giá thành.
Năm 2013, VNPT có khoảng 40,4 triệu thuê bao điện thoại phát sinh cước, số thuê bao băng rộng (ADSL và cáp quang) đạt 2,7 triệu thuê bao (tăng 291.000 thuê bao). Viettel có 54,2 triệu thuê bao điện thoại, thuê bao mới tăng thêm là 1,61 triệu gồm cả di động và băng rộng, ngoài ra tập đoàn này còn có hơn 14 triệu thuê bao từ thị trường nước ngoài. Năm 2014, VNPT dự kiến lợi nhuận tăng 7-8%, doanh thu tăng 10% so với năm 2013. Tập đoàn Viettel sẽ thực hiện chuyển dịch từ di động sang di động băng rộng với thuê bao 3G dự kiến tăng gấp đôi; thực hiện chiến lược chuyển dịch từ dịch vụ thoại sang dịch vụ viễn thông kết hợp công nghệ thông tin… |
Thực tế theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, chi phí tính ra giá thành cước dữ liệu 3G trung bình là 184,4 đồng/MB; ở thời điểm chưa tăng giá (trước ngày 16-10-2013) các DN cung cấp ra thị trường với mức giá là 100 đồng/MB, tính ra chỉ bằng 54% giá thành. Do vậy, việc tăng cước 3G 20% (bình quân của các gói cước) trong năm 2013 vừa qua là để bảo đảm các nhà mạng không cung cấp dịch vụ dưới giá thành theo quy định. Với mức tăng trung bình như trên cho thấy, cước dữ liệu vẫn thấp hơn giá thành. Vậy trong năm 2014, cước dữ liệu dịch vụ 3G tiếp tục tăng dường như đã được an bài.
Tuy nhiên, đến nay đại diện 3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, Vinaphone cho biết, chưa thể khẳng định việc có hay không tăng cước dịch vụ này trong năm 2014, vì còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường, nếu người dùng tăng lên, phát triển thêm nhiều dịch vụ mới sẽ "kéo" giá thành giảm xuống… có thể khi đó nhà mạng sẽ không tăng. Đồng thời, việc điều chỉnh giá (nếu có) cũng sẽ được thực hiện để ảnh hưởng ít nhất tới người tiêu dùng và sẽ có thêm nhiều gói cước tương ứng với chất lượng dịch vụ, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Như vậy đã rõ, việc cả 3 mạng lớn tăng cước là nhằm bảo đảm không bán sản phẩm dưới giá thành, giảm dần lỗ mảng kinh doanh cước dữ liệu và từ đó có thể thu hồi vốn để tái đầu tư trở lại. Song, trong điều kiện nền kinh tế chưa sáng sủa thậm chí còn được dự báo là tiếp tục khó khăn, thì việc có hay không tăng giá cước trong năm 2014 cũng nên được cân nhắc kỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.