(HNM) - Trong cuộc họp lần đầu tiên về Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) kể từ khi Mỹ tuyên bố nỗ lực khôi phục lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Tehran, Iran và Nhóm P5+1 trừ Mỹ (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã nhất trí “làm mọi điều có thể” để duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Điều này đã mang đến niềm hy vọng mới cho việc cứu vãn văn kiện lịch sử.
Diễn ra tại Vienna (Áo) ngày 1-9 dưới sự chủ trì của Liên minh châu Âu (EU), các bên tham gia cuộc họp khẩn thống nhất sẽ duy trì và bảo đảm việc thực thi đầy đủ thỏa thuận bất chấp các thách thức. Cuộc họp lần này nối dài những nỗ lực của Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga trong việc cứu vãn JCPOA trong bối cảnh Tehran đã từng bước nối lại hoạt động hạt nhân từ năm ngoái. Tiến độ được đẩy nhanh kể từ sau vụ không kích của Mỹ khiến Tư lệnh đơn vị đặc nhiệm thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Qassem Soleimani thiệt mạng. Theo đó, Iran tuyên bố không còn bị ràng buộc bởi JCPOA. Báo cáo tháng 6 của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho thấy, lượng uranium làm giàu của Iran đã lên tới 1.571,6kg, gấp 8 lần mức giới hạn 202,8kg trong JCPOA. Tuy nhiên, Tehran cho rằng mình hoàn toàn có quyền như vậy sau khi Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận.
Trong khi đó, Mỹ bảo lưu quan điểm cứng rắn đối với Iran. Sau khi dự thảo nghị quyết kéo dài cấm vận vũ khí đối với Tehran bị Liên hợp quốc bác bỏ ngày 14-8, Washington đã chuyển sang phương án khiếu nại việc Iran không tuân thủ JCPOA lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, qua đó kích hoạt điều khoản khôi phục tất cả lệnh trừng phạt trước năm 2015 của cơ quan an ninh đa phương này đối với Tehran theo Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an. Điều khoản này từng được coi là “thắng lợi” của Mỹ trong đàm phán, khi cho phép Washington duy trì sức ép lên Tehran mà không cần sự nhất trí của các nước tham gia JCPOA, không vấp phải quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, bước đi của Mỹ làm gia tăng nguy cơ khiến JCPOA đổ vỡ, đồng thời gây thêm bất đồng giữa Washington với châu Âu. Tại cuộc họp ở Vienna, đại diện EU, bà Helga Schmid nhấn mạnh, Washington không thể khởi động tiến trình tái áp đặt các trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Tehran bằng việc sử dụng Nghị quyết số 2231. Đại diện Trung Quốc cho rằng, Iran phải tuân thủ các cam kết trong JCPOA, nhưng cũng cần được bảo đảm các lợi ích kinh tế. Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh, các bên tham gia nhất trí không thừa nhận các động thái của Mỹ. Trong khi đó, Nga, Anh, Đức và Pháp đều cho rằng, Mỹ đã từ bỏ tư cách một bên tham gia thỏa thuận, do đó không có quyền kích hoạt điều khoản trên.
Một số ý kiến nhận định, kể cả Mỹ khôi phục được lệnh cấm vận, khả năng duy trì JCPOA thời gian tới phụ thuộc lớn vào phản ứng của Iran. Bởi Tehran với sự ủng hộ từ Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu sẽ tiếp tục có những động thái trên thực địa nhằm tạo lợi thế. Tuy nhiên, nước Cộng hòa Hồi giáo vẫn để ngỏ khả năng quay lại JCPOA khi có đủ điều kiện và một biểu hiện rõ ràng của thiện chí này là những hợp tác chặt chẽ giữa Tehran với IAEA thời gian qua. Trước cuộc họp Vienna, để tạo động lực cho các thảo luận, Iran cũng đã đồng ý cho các thanh sát viên hạt nhân của Liên hợp quốc đến hai cơ sở bị nghi có hoạt động bí mật.
Sau những quyết định và hành động cứng rắn của Mỹ, thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran đã bị đẩy tới bờ vực đổ vỡ. Vì vậy, quyết tâm bảo vệ văn kiện này của các quốc gia còn lại tham gia JCPOA được thể hiện trong cuộc gặp gỡ ở Vienna đang mang đến niềm hy vọng rằng những nỗ lực để giải quyết hồ sơ hạt nhân Iran sẽ có những bước ngoặt mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.