Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các cấp, ngành còn đứng ngoài cuộc

Việt Tuấn| 25/12/2014 06:26

(HNM) - Đề án 343PN

Đề án 343PN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12-3-2010 với mục tiêu tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tiêu chí: Có lòng yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu… Ngay sau khi có hướng dẫn của Ban điều hành Đề án Trung ương, năm 2011 UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4886/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo Đề án, giao Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thành phố làm cơ quan thường trực, đồng thời ban hành quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm từng thành viên.

Tuy nhiên, trong 4 tiểu đề án giao cho Hội LHPN thành phố, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao&Du lịch, thì chỉ có tiểu đề án 1 "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2010 - 2015)" do Hội LHPN thành phố chủ trì được triển khai hiệu quả hơn cả. Tại buổi tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện Đề án được Ban chỉ đạo Đề án 343PN TP Hà Nội tổ chức trung tuần tháng 12, nhiều ý kiến phản ánh hiện đang thiếu đội ngũ báo cáo viên mũi nhọn và tài liệu tuyên truyền chưa sinh động.

Các cấp hội phụ nữ vẫn là lực lượng chính thực hiện Đề án 343PN. Ảnh: Bá Hoạt


Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Hằng, việc giao nhiệm vụ cho từng ngành, cơ quan phối hợp thực hiện Đề án vẫn chưa cụ thể, nên mới có tiểu đề án 1 do Hội Phụ nữ chủ trì hoạt động tương đối hiệu quả, 3 tiểu đề án còn lại kết quả chưa rõ nét. Không riêng cấp thành phố, ở cấp huyện cũng chỉ có cán bộ phụ nữ vào cuộc tuyên truyền, triển khai đề án gắn với các phong trào công tác hội. Bất cập ở đây chính là đội ngũ báo cáo viên kỹ năng còn hạn chế nên hiệu quả truyền đạt nội dung đề án đến đối tượng phụ nữ còn mức độ. Vì thế, Ban chỉ đạo cần tăng cường tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ này. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cũng đồng tình với đề xuất này và kiến nghị Ban chỉ đạo quan tâm xây dựng tài liệu tuyên truyền theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ...

Để đạt được mục tiêu 70% phụ nữ và hơn 95% cán bộ, hội viên phụ nữ, nữ thanh niên, nữ cán bộ, nữ CNVC-LĐ, nữ nông dân được tuyên truyền nội dung Đề án, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo cấp thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức hội thi tuyên truyền viên giỏi. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang" trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ban chỉ đạo sẽ chủ động biên soạn, in ấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Thành phố cũng sẽ quan tâm bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đề án 343PN thành phố cho biết thêm, tới đây, Ban chỉ đạo sẽ xác định nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp tại 6 đơn vị điểm (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Ba Vì) để đánh giá kết quả, sau đó nhân rộng trong giai đoạn tiếp theo.

Trước những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường và thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, một số giá trị tốt đẹp về phẩm chất, đạo đức của phụ nữ Việt Nam có phần bị mai một. Một bộ phận phụ nữ sống thiếu lý tưởng, bàng quan trước các vấn đề bức xúc của xã hội, cộng đồng. Một bộ phận nữ thanh niên thích hưởng thụ, đua đòi, dễ bị lôi kéo mắc tệ nạn xã hội. Một số phụ nữ vi phạm pháp luật như tham gia hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em; buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy trái phép; chơi lô đề, cờ bạc, mê tín dị đoan… Trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng lối sống thực dụng, quan niệm lệch lạc trong hôn nhân, tình yêu, ảnh hưởng tiêu cực đó đã dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng cho phụ nữ: Bị lạm dụng tình dục, bị bán làm gái mại dâm hoặc bị bạo hành… Thực tế đó đang đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức giúp phụ nữ Việt Nam có cuộc sống bình yên, hạnh phúc hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các cấp, ngành còn đứng ngoài cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.