Báo Y học Anh (BMJ) đang tiến hành điều tra về mối quan hệ giữa các phòng thí nghiệm bào chế thuốc với các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo JP Morgan, lợi nhuận thu được từ việc bán vắcxin phòng chống dịch cúm mang lại cho các hãng dược phẩm khoảng 7-10 tỷ USD. (Nguồn: Getty images)
Trong khi đó, Ủy ban của Hội đồng châu Âu cũng nhấn mạnh tới sự thiếu minh bạch của WHO.
Ngày 4/6, với việc công bố kết quả điều tra của BMJ và Cơ quan báo chí điều tra tại London, cũng như báo cáo được công bố cùng ngày của Ủy ban Y tế Nghị viện trực thuộc Hội đồng châu Âu, những trì trích đối với WHO trong dịch cúm vừa qua đã gia tăng thêm một nấc mới.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy một số chuyên gia tham gia chỉ đạo của WHO trong chiến dịch đối phó với dịch cúm H1N1 đã nhận tiền thù lao của các công ty sản xuất dược phẩm hoặc sản xuất vắcxin chống virus cúm. Báo cáo thứ hai thì nhấn mạnh "sự thiếu minh bạch" trong kiểm soát dịch cúm H1N1 của WHO và các cơ quan y tế.
Báo cáo cũng cáo buộc các tổ chức này đã lạm dụng lòng tin tưởng của dân chúng châu Âu và cho rằng, sự suy giảm lòng tin này có thể sẽ là một nguy cơ lớn trong tương lai.
Một năm sau tuyên bố bắt đầu dịch cúm trên toàn thế giới ngày 11/5/2009 của bà Margaret Chan, các kho thuốc chống virus và vắcxin phòng chống virus cúm A/H1N1 của nhiều quốc gia phương Tây hiện vẫn chưa được sử dụng, mặc dù được đặt mua với giá không hề rẻ. Trong khi đó, ngân hàng JP Morgan ước tính lợi nhuận thu được từ việc bán vắcxin phòng chống dịch cúm này đã mang lại cho các hãng dược phẩm khoảng 7-10 tỷ USD.
Có lẽ bắt đầu từ năm 1999, kể từ thời điểm những người đứng đầu của WHO giới thiệu kế hoạch phòng chống dịch cúm, các chuyên gia giữ vai trò chủ chốt trong xây dựng chiến lược phòng dịch của tổ chức quốc tế này đã có mối liên hệ về lợi ích với các hãng dược phẩm. Thực tế, các khuyến nghị của WHO được bốn chuyên gia vốn có sự phối với Nhóm Công tác Khoa học châu Âu về cúm (ESWI) soạn thảo.
Trong khi đó, theo hai nhà báo Anh, Deborah Cohen và Philip Carter, các tài liệu trên tiết lộ rằng ESWI vốn được hãng dược phẩm Roche và các hãng sản xuất vắcxin khác tài trợ hoàn toàn. Hơn nữa, cũng theo hai nhà báo này, hai trong số các chuyên gia phụ trách soạn thảo chiến lược của WHO nêu trên là René Snacken và Daniel Lavanchy đã từng tham gia vào các sự kiện được Roche tài trợ vào năm ngoái.
Deborah Cohen và Philip Carter cũng nêu các chuyên gia khác tham gia vào việc xây dựng chiến lược chống dịch cúm của WHO là Karl Nicholson (Đại học Leicester), Albert Osterhaus (Đại học Erasme, Rotterdam), Frederick Hayden (Đại học Virginia), đã được các hãng dược phẩm trả thù lao để họ công bố các bài viết về hiệu quả của các loại thuốc chống virus cúm như Tamiflu của Roche hay Relenza của Glaxo-SmithKline.
Theo hai nhà báo trên, hiện không có tuyên bố nào của WHO trả lời các câu hỏi về những chi tiết trên, trong khi đó, nhiều chuyên gia kể trên đã khẳng định họ đã công khai các mối liên hệ này.
Hai nhà báo Anh cũng đã tiết lộ bí mất của WHO về thành phần của Ủy ban Khẩn cấp dưới sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc Magaret Chan, có nhiệm vụ cố vấn cho tổng giám đốc về thời điểm công bố dịch cúm.
Trong bài xã luận của mình, Tổng Biên tập của BMJ, bà Fiona Godlee bình luận: "Đây là quyết định khiến cho các hợp đồng mua vắcxin chống cúm A/H1N1 đã được chuẩn bị từ trước trên toàn thế giới trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết."
Gregory Hartl, phát ngôn viên của WHO tại Geneva cho biết, mỗi lần WHO tổ chức họp các chuyên gia của mình, tổ chức này thường yêu cầu các chuyên gia kê khai các nguồn thu nhập của mình, bản kê khai này sẽ được đệ trình lên Chủ tịch Ủy ban chuyên gia. Tuy nhiên, những thông tin này sẽ không được công bố vì nó có chứa rất nhiều thông tin cá nhân.
Liên quan tới Ủy ban khẩn cấp, phát ngôn viên của WHO chỉ rõ, thành phần của ủy ban sẽ được công bố khi ủy ban kết thúc nhiệm vụ của mình. Theo Gregory Hartl, đây là biện pháp "nhằm tránh cho các thành viên chịu các áp lực từ hệ quả của các tiêu chuẩn quyết định được đưa ra." Tuy nhiên, lý lẽ này đã không thuyết phục BMJ và Cơ quan báo chí điều tra London.
Báo cáo của Paul Flynn, nghị sỹ người Anh thuộc đảng Xã hội, được Ủy ban Y tế thuộc Hội đồng châu Âu thông qua ngày 4/6, cũng cáo buộc WHO "rất thiếu minh bạch" trong bước đưa ra quyết định công bố dịch cúm A/H1N1 trên toàn thế giới. Theo báo cáo, WHO đã thổi phồng mức nguy hiểm của dịch cúm này.
Báo cáo này sẽ được Hội đồng Nghị viện thuộc Hội đồng châu Âu thông qua vào ngày 24/6 tới./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.