(HNMO) - Tính tới chiều 14-3, đã có 145.931 người nhiễm Covid-19 và 5.440 ca tử vong vì dịch bệnh này tại 146 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi tình hình dịch Covid-19 ở châu Âu và Mỹ đang diễn biến phức tạp và gia tăng nhanh chóng số ca mắc mới thì tại Trung Quốc và Hàn Quốc - hai quốc gia được coi là tâm dịch ở châu Á đã có dấu hiệu giảm rõ rệt các trường hợp mắc bệnh và tử vong.
Châu Á
Theo Yonhap ngày 14-3, các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc tiếp tục chậm lại với số lượng bệnh nhân phục hồi nhiều hơn người mới mắc. Dấu hiệu này cho thấy một sự lạc quan rằng dịch Covid-19 ở Hàn Quốc đang được kiểm soát. Cơ quan quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 của nước này là 8.086 ca (tăng 107 ca), thêm 5 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại đây lên 72 người. Trong khi đó, 204 người đã bình phục và được xuất viện.
Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn đang cảnh giác cao độ đối với các cụm bệnh lây nhiễm mới. Theo cơ quan y tế nước này, các trường hợp nhiễm Covid-19 ở thủ đô Seoul đã tăng thêm 13 người, nâng tổng số người mắc bệnh lên 238 người và xung quanh tỉnh Gyeonggi đã báo cáo 15 trường hợp mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 200 người.
Trong khi đó, theo số liệu do Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc công bố ngày 14-3, lần đầu tiên số ca nhiễm mới do lây từ nước ngoài vào nước này đã cao hơn so với ca nhiễm mới trong nước. Cụ thể, Trung Quốc đại lục ghi nhận 11 ca mới nhiễm Covid-19, cao hơn so với 1 ngày trước đó (8 ca). Nhưng chỉ có 4 ca trong số này được xác nhận ở tâm dịch là tỉnh Hồ Bắc, 7 người còn lại đều từ nước ngoài vào Trung Quốc, trong đó có Italia, Mỹ và Saudi Arabia. Theo NHC, đến nay, tổng cộng có 95 ca mắc bệnh từ nước ngoài vào Trung Quốc.
Cùng ngày, Tân Hoa xã cho biết, trong một thông điệp gửi tới Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định trong khả năng của mình, nước này sẵn sàng chung tay với Hàn Quốc để sớm chiến thắng đại dịch, bảo vệ sinh mạng và sức khỏe của người dân hai nước và cộng đồng quốc tế. Chủ tịch Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố tương tự với Iran trong một bức thư gửi tới Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Ngày 14-3, Chính phủ Singapore đã đưa ra thêm nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19. Cụ thể, từ 23h59’ cùng ngày, các du khách đến từ Italia, Pháp, Tây Ban Nha và Đức hoặc gần đây có đến các nước này không được nhập cảnh hay quá cảnh ở Singapore.
Ngoài ra, Chính phủ Singapore cũng hủy tất cả các sự kiện thể thao, văn hóa, vui chơi giải trí có sự tham gia của 250 người trở lên, tăng cường các biện pháp giảm tiếp xúc ở nơi làm việc và nơi công cộng. Người dân Singapore được khuyến cáo hủy bỏ những chuyến đi không cần thiết đến 4 nước châu Âu này. Những người từng đến các nước này sẽ bị cách ly tại nhà 14 ngày sau khi họ trở về. Bộ Y tế Singapore cũng đưa ra danh sách 18 nước khuyến cáo người dân không nên đến, trong đó có Indonesia, Malaysia, Anh và Mỹ.
Tại Philippines, Cơ quan phát triển vùng đô thị Manila thông báo, nhà chức trách sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm tại khu vực này, bắt đầu từ ngày 15-3, như một biện pháp cách ly cộng đồng để dập dịch Covid-19. Tính đến sáng 14-3, Philippines đã ghi nhận 6 ca tử vong và tổng cộng 64 ca nhiễm Covid-19.
Trong khi đó, Chính phủ Campuchia đã quyết định tạm thời đóng cửa Trường quốc tế Canada (CIS) ở đảo Koh Pich (Phnom Penh) và cách ly, theo dõi sức khỏe của giáo viên cũng như học sinh trường này trong 14 ngày. Quyết định được đưa ra sau khi một nhân viên người Canada làm việc cho CIS được xác nhận dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Châu Mỹ
Ngày 13-3 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết các nghị sỹ đảng Dân chủ và chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ người dân Mỹ chịu tác động của dịch Covid-19. Dự luật này sẽ cho phép bổ sung quỹ liên bang vào chương trình y tế liên bang Medicaid và tăng cường hỗ trợ lương thực cho người nghèo ở Mỹ, trong đó có đối tượng là trẻ em nghèo được cấp bữa trưa miễn phí tại trường học. Bà Pelosi cho biết, mục tiêu của dự luật này là mở rộng xét nghiệm miễn phí đối với mọi công dân Mỹ, kể cả những người không có bảo hiểm y tế, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Theo trang tin Bloomberg, Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cho xét nghiệm chạy trên hệ thống cobas 6800/8800 của công ty Roche Holding AG. Hệ thống 8800 này có khả năng xét nghiệm tới 4.128 bệnh nhân mỗi ngày, trong khi phiên bản 6800 có thể xét nghiệm cho 1.440 người/ngày.
Cùng ngày, Guatemala, Venezuela và Uruguay đã đồng loạt xác nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19. Phần lớn các bệnh nhân đều là hành khách trở về từ miền Bắc Italia.
Ngày 14-3, quyền Đại sứ Brazil tại Mỹ Nestor Forster đã nhận kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 chỉ sau vài ngày dự bữa tiệc tối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 13-3 tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông hoàn toàn không có triệu chứng của bệnh.
Tại Canada, trong một nỗ lực được giới quan sát đánh giá là “đặc biệt” để hạn chế đà lây lan của vi rút SARS-CoV-2, Hạ viện nước này đã quyết định tạm ngừng hoạt động đến ngày 20-4.
Châu Âu
Ngày 14-3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thông báo nước này sẽ đóng cửa biên giới đất liền với Ba Lan và Na Uy, trong một nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực vào đêm 15-3 và áp dụng với tất cả người nước ngoài, trừ các công dân Belarus, các thành viên của các phái đoàn chính thức và cư dân của Nga.
Trước đó, một số nước châu Âu gồm Ukraine, Ba Lan, Cộng hòa Cyprus đã thông báo kế hoạch đóng cửa biên giới vì Covid-19.
Tại Đức, chính phủ ngày 13-3 đã tung gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hậu chiến của nước này, đồng thời đề xuất hỗ trợ không giới hạn chương trình tín dụng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Thủ tướng Angela Merkel cho biết, đây là các biện pháp chưa từng có tiền lệ, nhấn mạnh rằng Berlin sẽ làm "bất cứ những gì cần thiết" để giải quyết những tác động từ đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết, Chính phủ Đức quyết định hỗ trợ 550 tỷ euro (khoảng 614 tỷ USD) cho các công ty mới khởi nghiệp, nhiều hơn khoản 500 tỷ euro được đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong khi đó, Quốc hội Liên bang Đức cũng nhất trí thông qua việc hỗ trợ tiền rút ngắn giờ làm để các doanh nghiệp cũng như người lao động có thể "phòng vệ" tốt hơn trước những hậu quả về kinh tế của dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.