Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

Hương Thủy| 10/09/2015 11:17

(HNMO) - Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại  một số địa phương. Dưới đây là các biện pháp phòng chống dịch bệnh này.


Từ đầu năm đến nay, số cả mắc sốt xuất huyết cả nước từ đầu năm 2015 giảm 33,7%, tử vong giảm 50,6% so với trung bình cùng kỳ giai đoạn 2010-2014, nhưng hiện gia tăng cục bộ tại một số địa phương đang trong mùa mưa thuộc khu vực miền Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng...

Dịch diễn biến phức tạp

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng, tính đến hết ngày 6/9, thành phố ghi nhận hơn 1.530 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ. Bệnh nhân phân bố trên diện rộng tại 29/30 quận, huyện, thị xã (trừ Phúc Thọ). Trong đó, 237/584 (chiếm 40%) xã, phường, thị trấn, nhiều tuýp virus cùng gây bệnh xác định được là D1 và D2. Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết đã ghi nhận là 323 (tăng 5 lần so với cùng kỳ) tại 26 quận, huyện của 132 xã, phường, thị trấn với 815 bệnh nhân (chiếm 53% tổng số bệnh nhân toàn thành phố). Hiện tại, còn 51 ổ dịch đang hoạt động.

Người dân cần thường xuyên diệt lăng quăng, bọ gậy trong các thùng chứa nước để phòng chống sốt xuất huyết (nguồn: Internet)


Biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết là tình trạng sốt cao. Sốt (nóng) cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn; sau đó có dấu hiệu trở nặng như  xuất huyết (chảy máu), xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng, ói hoặc đi cầu ra máu (nước ói màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi), có cảm giác khó chịu, đau bụng,…

Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, tại một số bệnh viện thuộc khu vực miền Nam, trung bình mỗi người bị bệnh sốt xuất huyết sẽ phải nghỉ để điều trị bệnh từ 7-14 ngày, người thân phải nghỉ việc để chăm sóc người bệnh từ 7-9 ngày. Chi phí cho người bệnh sốt xuất huyết dengue mà người dân phải chi trả bao gồm các chi phí trực tiếp cho y tế như khám, xét nghiệm, điều trị ngoài ra còn các chi phí khác như mua vật dụng, đi lại, chi cho người chăm sóc và chi phí bị mất do nghỉ việc và rất nhiều các khoản chi phí khác nữa.

Chi phí cho một bệnh nhân sốt xuất huyết dengue dao động từ 40,7 USD đến 122,5 USD, tương đương từ 900.000 đến 2.700.000 đồng tùy theo độ nặng và tuổi của người bệnh. Bên cạnh đó còn chi phí của Chính phủ để duy trì hoạt động của hệ thống khám chữa bệnh chưa được tính đến.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sốt xuất huyết là bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố.

Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sống xung quanh chúng ta, chúng thường đẻ trứng ở những chỗ nước trong. Ổ bọ gậy nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết tập trung ở những vật dụng chứa nước trong như: Chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, những dụng cụ chứa nước trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can...tại các hộ gia đình. Vào mùa hè các ổ bọ gậy thường tập trung ở các khay nước thải điều hòa, dụng cụ chứa nước thải tủ lạnh. Ngoài ra còn có trong các dụng cụ chứa nước như bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, xô, chậu, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh, các đồ vật hoặc đồ phế thải, bát kê chạn, hốc cây, lon, hũ, chai, lọ phế thải, mảnh vỡ chum, vại, lốp xe, vỏ dừa,...Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Người dân cần tích cực phòng chống

Chính vì vậy, diệt bọ gậy hàng tuần để đảm bảo không có nơi sản sinh ra muỗi truyền sốt xuất huyết là yếu tố quan trọng nhất trong phòng, chống sốt xuất huyết. Ngoài ra, việc phun hóa chất tiêu diệt muỗi trưởng thành cũng là giải pháp quan trọng phòng chống và xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết, người dân cần phải phối hợp với các đơn vị y tế khi tiến hành phun để đảm bảo phun được tất cả các hộ gia đình và phun được ở tất cả các tầng trong nhà, nhằm diệt hết được đàn muỗi, tránh tình trạng muỗi di chuyển từ nhà này sang nhà khác, từ tầng dưới lên tầng trên.

Theo Cục Y tế dự phòng, thời gian vừa qua ngành y tế cùng người dân đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, tuy nhiên còn một số người dân chưa hiểu đúng về sự phát triển và truyền bệnh của muỗi vằn nên chưa tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, còn để các vật dụng chứa nước không thau rửa, các phế thải quanh nhà không được thu gom xử lý nên là ổ chứa bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, một số hộ gia đình chưa hợp tác, chưa tạo điều kiện cho phun hóa chất diệt muỗi hoặc chỉ cho phun ở tầng 1 không cho phun ở các tầng trên nên không diệt được hết đàn muỗi mang mầm bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng như sau:

-Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

-Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông,bát nước kê chân chạn.

-Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

-Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

-Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

-Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.