(HNMO)- Sáng 10-6, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ án lừa đảo giãn dân phố cổ Hà Nội với phần xét hỏi.
Trước đó, chiều 9-6, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án này đối với 4 bị cáo vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Nguyễn Đức Thắng (SN 1950, quận Ba Đình, Hà Nội); Trần Ứng Thanh – nguyên TGĐ Công ty CP Vật liệu Xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà - Công ty Hồng Hà (SN 1947, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); Nguyễn Đức Lợi – nguyên GĐ Công ty CP Phát triển Kinh tế Hà Nội - Công ty Hà Nội (SN 1955, quận Ba Đình, Hà Nội) và bị cáo Nguyễn Quốc Xương - nguyên PGĐ Công ty Hồng Hà (SN 1958, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
4 bị cáo tại phiên xét xử sáng 10-6 |
Theo cáo buộc của VKS, dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng nằm trong nội dung đề xuất hình thành các dự án thuộc “Đề án giãn dân phố cổ” do UBND quận Hoàn Kiếm cùng đơn vị tư vấn soạn thảo.
Ngày 15/8/2012, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua và giao cho UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai cơ chế đặc thù, được chỉ định nhà thầu ứng vốn xây dựng và được thi công khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ.
Nội dung đề án đã nêu: “Về cơ chế lựa chọn nhà thầu theo phương thức xã hội hóa, nhà thầu được lựa chọn thi công dự án phải ứng toàn bộ vốn để xây dựng công trình theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công đã được phê duyệt. Sau khi xây dựng xong công trình sẽ bàn giao toàn bộ công trình cho UBND quận Hoàn Kiếm để thực hiện giãn dân phố cổ. Nhà thầu thi công được hưởng một số ưu đãi trong dự án”.
Việc này vẫn là chủ trương, chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố. Đến nay dự án này mới được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa được khảo sát thiết kế kỹ thuật, lập dự toán để lựa chọn nhà thầu thi công.
Thông qua các mối quan hệ xã hội, Nguyễn Đức Thắng đã tiếp thị, môi giới cho Nguyễn Đức Lợi - Tổng Giám đốc Công ty Hà Nội và Trần Ứng Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Hồng Hà với UBND quận Hoàn Kiếm để được nhận các Quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm về thực hiện xây dựng căn hộ phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng.
Mặc dù, chỉ được chủ đầu tư dự án giãn dân phố cổ Hà Nội là UBND quận Hoàn Kiếm giao nghiên cứu “Đề án giãn dân phố cổ” để thu xếp nguồn vốn thi công nhưng hai Công ty Hà Nội và Công ty Hồng Hà đã sử dụng các quyết định, công văn, tài liệu mà do UBND quận Hoàn Kiếm ban hành để khách hàng tin các công ty này là Chủ đầu tư dự án được phép huy động vốn, ký hợp đồng mua bán căn hộ, ký hợp đồng góp vốn, nhận đặt cọc của 143 lượt khách hàng có nhu cầu mua căn hộ khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng với số tiền hơn 169, 5 tỷ đồng.
Ngày 22/4/2011, sau khi phát hiện việc rao bán trái phép căn hộ khu nhà ở giãn dân phố cổ Hà Nội của Công ty Hồng Hà, UBND quận Hoàn Kiếm đã ký văn bản hủy bỏ chủ trương giao cho Công ty Hồng Hà việc bỏ vốn xây dựng và được thi công dự án, nhưng Công ty Hồng Hà vẫn tiếp tục huy động vốn của khách hàng với 104 hợp đồng và phục lục hợp đồng góp vốn, nhận đặt cọc, thu số tiền gần 100 tỷ đồng.
Tính từ năm 2010 đến hết tháng 6/2012, Công ty Hà Nội và Công ty Hồng Hà đã sử dụng hết số tiền này, trên chứng từ và sổ kế toán ghi lý do tạm ứng phục vụ dự án Việt Hưng, chuyển vốn cho BQL dự án với số tiền hơn 86 tỷ đồng, không có chứng từ hoàn ứng, không giải trình chi tiết được việc sử dụng số tiền này vào việc gì.
Đến nay Công ty Hà Nội và Công ty Hồng Hà chưa thực hiện bất cứ công việc gì của dự án và mới chỉ trả lại được gầ 33 tỷ đồng. Số tiền còn lại các đối tượng không có trả nên đã bỏ trốn với mục đích chiếm đoạt số tiền trên 130 tỷ đồng.
Kết quả điều tra đã xác định 4 bị cáo đã có hành vi sử dụng các văn bản, các quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm là hành vi gian đối, tạo niềm tin cho khách hàng có nhu cầu mua căn hộ tại dự án này. Các khách hạng tin tưởng Công ty Hà Nội, Công ty Hồng Hà có đủ điều kiện huy động vốn xây dựng dự án nên đã ký hợp đồng mua bán căn hộ, ký hợp đồng góp vốn, nhận đặt cọc, thu số tiền trái quy định là hơn 169 tỷ đồng.
Cáo trạng cũng đã chỉ rõ bị cáo Nguyễn Đức Thắng phải chịu trách nhiệm bồi thường với số tiền trên 87 tỷ đồng;Trần Ứng Thanh bồi thường số tiền hơn 26 tỷ đồng; Nguyễn Đức Lợi bồi thường tổng số tiền 8,5 tỷ đồng và Nguyễn Quốc Xương là gần 1,5 tỷ đồng.
Ngày đầu tiên của phiên tòa, sau phần kiểm tra căn cước các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, VKS tuyên bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo.
Đáng chú ý, bị cáo Thanh vì sức khỏe quá yếu nên đã không thể trả lời các câu hỏi của chủ tọa, mà ủy thác cho luật sư của mình.
Mỗi lần được yêu cầu trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Thanh chỉ nói được vài câu vì sức khỏe quá yếu |
Bị cáo Xương khai nhận sở dĩ Công ty Hồng Hà biết đến dự án giãn dân phố cổ, tiếp xúc được với UBND quận Hoàn Kiếm cho đến khi được chấp thuận chuẩn bị triển khai dự án là nhờ Công ty Hà Nội. “Trong quá trình đi lại, bàn bạc tôi chỉ là người giúp việc cho TGĐ. Còn bàn gì, làm gì, bị cáo không được biết” – Xương khai.
Bị cáo này cũng thành khẩn nhận thức được hành vi sai phạm của bản thân cũng như Công ty Hồng Hà là do nóng vội trước nhu cầu đem về dự án,công ăn việc làm cho cán bộ Công ty.
“ Bị cáo nhận thấy một số vấn đề trong cáo trạng về tội danh lừa đảo với Công ty Hồng Hà là chưa đúng. Vì Công ty Hồng Hà khi ký hợp đồng không dùng thủ đọan gian dối, giấu diếm một thứ giấy tờ gì. Hồng Hà đã chuyển cho các nhà góp vốn toàn bộ tất cả hồ sơ giấy tờ mà các cơ quan chức năng của TP đã giao cho Công ty Hồng Hà để cho tất cả người dân góp vốn nghiên cứu trước khi hạ bút ký hợp đồng” – Xương khai.
HĐXX cũng đã tập trung làm rõ 59 lần nhận tạm ứng tổng số tiền 78 tỷ đồng của Thắng từ Công ty Hồng Hà chi cho ai, vào mục đích gì. Tuy nhiên, bị cáo này đều một mực khẳng định do bị cáo Thanh “sai đâu làm đấy” và đến nay không còn nhớ.
Cũng tại phiên tòa, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết trong quá trình triển khai nghiên cứu dự án, phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm phát hiện Công ty Hồng Hà có hành vi rao bán các căn hộ nằm trong dự án giãn dân phố cổ nên đã mời lãnh đạo Công ty lên họp báo cáo giải trình, tuy nhiên lãnh đạo Công ty đã không đến họp, trong khi đó, công ty này vẫn vẫn rao bán các căn hộ nằm trong dự án giãn dân phố cổ trên mạng Internet.
Xét thấy hành vi của Công ty Hồng Hà là vi phạm pháp luật, vì vậy ngày 08/9/2010 (15 ngày sau khi ký quyết định 1917/QĐ-UB) UBND quận Hoàn Kiếm đã mời lãnh đạo Công ty Hồng Hà lên làm việc và có biên bản, yêu cầu Công ty này giải trình về sự việc nêu trên và nêu rõ Công ty phải chấm dứt ngay việc rao bán các căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ.
Ngay sau đó, công ty Hồng Hà có văn bản số 97/BC-DA ngày 09/9/2010 cam kết chưa bán căn hộ trong dự án cho các cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp cũng như bên ngoài và cam kết không bán những căn hộ trong dự án khi chưa được UBND TP phê duyệt.
Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm |
Sự việc nêu trên đã được UBND quận Hoàn Kiếm thông báo và trả lời công khai trên một số phương tiện thông tin đại chúng. UBND quận không nhận được bất kỳ đơn thư tố cáo nào của nhân dân về việc mua bán các căn hộ giãn dân phố cổ.
"Phía quận đã hợp tác với CQĐT để làm rõ hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan. Đối với người dân, quận cũng đã tổ chức gặp gỡ, làm việc để thống nhất hướng xử lý. Quan điểm của quận là ủng hộ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Công ty Hồng Hà phải giải quyết hậu quả. Qua thực tế, UBND quận cũng bị công ty này lừa dối, trở thành một bị hại khi một số lần mời công ty lên nhưng họ vẫn khẳng định không rao bán nhà trên mạng” - Vị đại diện này bày tỏ
Dự kiến trong ngày mai (11-6), HĐXX sẽ tuyên án
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.