(HNM) - Hiện nay, nhiều dịch bệnh mới xuất hiện đang diễn biến phức tạp. Tác nhân gây các bệnh này là vi khuẩn hoặc virus, trong đó bệnh do virus ngày càng tăng, độc lực cao và diễn biến phức tạp hơn trước đây.
Xuất hiện nhiều bệnh nguy hiểm
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, trong 10 năm qua, thế giới ghi nhận hàng loạt vụ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, với số mắc và tử vong tăng cao, trong đó tập trung nhiều ở khu vực Châu Á, Châu Phi. Tại Việt Nam, sự gia tăng của một số bệnh truyền nhiễm mới và tái nổi đang là vấn đề y tế công cộng nóng bỏng. Theo TS Nguyễn Trần Hiển, trong 10 năm qua, một số dịch bệnh như uốn ván sơ sinh, bại liệt, bạch hầu, sởi… có xu hướng giảm, nhưng lại có dịch bệnh tái nổi, mới nổi như tả, sốt xuất huyết, dại, rubella, tay chân miệng. Đặc biệt có một số bệnh mới phát triển như: SARS, tiêu chảy tán huyết do E.coli, hội chứng suy giảm miễn dịch không phải do nhiễm HIV/AIDS, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân... với tần suất ngày càng dày hơn. Đáng quan tâm là phần lớn các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi đều đã và đang hiện diện ở Việt Nam.
Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia.Ảnh: Linh Tâm
TS Nguyễn Trần Hiển dẫn chứng một số bệnh tiêu biểu. Với bệnh tả, trước năm 2006, các ca mắc ghi nhận tản phát, dưới 500 ca, không thành vụ dịch lớn, thậm chí có năm không ghi nhận ca nào. Tuy nhiên, đến năm 2007, con số này lại tăng vọt lên hơn 1.900 ca (gấp gần 4 lần). Từ đó đến năm 2010, một vụ dịch tả lớn đã xảy ra tại khu vực miền Bắc, với 4 đợt dịch và số mắc lên tới hàng trăm ngàn ca tại 22 tỉnh, thành. Có những thời điểm, số bệnh nhân ghi nhận lên tới 150-200 ca một ngày. Hay dịch sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp. Nếu như trước đây, thường 6 năm mới xuất hiện một năm đỉnh dịch thì gần đây, khoảng cách này đã rút ngắn xuống còn 4 năm. Các ca mắc cũng ghi nhận rải rác quanh năm chứ không chỉ tập trung chủ yếu trong các tháng cao điểm 7-9 như trước.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dẫn chứng thêm: Từ đầu năm 2012 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận thêm 2 loại bệnh chưa rõ nguyên nhân là hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở Quảng Ngãi (còn gọi là "bệnh lạ") và hội chứng suy giảm miễn dịch không phải do lây nhiễm HIV/AIDS. Gần đây, dư luận cũng không khỏi hoang mang lo lắng khi Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do nhiễm "amip ăn não người", dù trước đó loại bệnh này chưa từng xuất hiện tại nước ta.
Động vật là trung gian truyền bệnh
GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho rằng, trong số các bệnh mới nổi, một số bệnh gây dịch nguy hiểm do virus mới có độc lực mạnh, tỉ lệ tử vong cao và hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây như H5N1, SARS là đáng lo ngại nhất. Còn 5 loại bệnh truyền nhiễm gồm bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết do virus Dengue, tả, cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 thì cần được quan tâm đặc biệt. Nguyên nhân xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi có rất nhiều và đan xen nhau, tuy nhiên, có thể kể ra một số lý do chính như quá trình tăng dân số và đô thị hóa; tình trạng buôn bán động vật tự do, không kiểm soát được; thực trạng cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường chưa tốt; sản xuất nông nghiệp và sử dụng đất chưa khoa học; chăn nuôi gia súc chủ yếu vẫn là manh mún; khí hậu có nhiều biến đổi...
Các chuyên gia dịch tễ nhấn mạnh, phần lớn bệnh mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, đặc biệt động vật là nguồn truyền bệnh của hơn 70% các bệnh mới nổi. Thậm chí, có những loại bệnh bình thường chỉ lưu hành ở động vật nhưng do biến đổi của khí hậu, môi trường, virus dần thích nghi nên dễ dàng truyền bệnh sang người như: cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, SARS... Bởi thế, điều mà giới chuyên môn lo ngại là với quy trình quản lý vật nuôi, kiểm dịch động vật, giết mổ và tiêu thụ thịt động vật như hiện nay, thêm nữa sự nhận thức chưa đầy đủ về các bệnh truyền từ động vật sang người của người dân thì nguy cơ lây những dịch bệnh truyền nhiễm cho người luôn rất lớn.
Trước thực tế trên, các chuyên gia về vệ sinh dịch tễ cho rằng, để phòng chống bệnh mới nổi, hoạt động phòng chống dịch có vai trò rất quan trọng và thực tế đã chứng minh, ở đâu có sự chủ động của chính quyền địa phương thì ở đó công tác phòng chống dịch mới có hiệu quả. Đồng thời, việc giáo dục sức khỏe, truyền thông nguy cơ cho cộng đồng, nâng cao chất lượng của hệ thống giám sát chủ động bệnh truyền nhiễm tại tất cả tuyến y tế sẽ góp phần tăng tính chủ động trong phòng dịch bệnh nói chung, dịch bệnh mới nổi nói riêng… Minh bạch và chia sẻ thông tin kịp thời, hướng tới xây dựng một hệ thống giám sát chủ động các yếu tố nguy cơ dịch bệnh… cũng sẽ giúp mọi người có thể chủ động phòng tránh, đối phó với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.