(HNM) - Liên hoan Ca trù cổ Hà Nội (LH) vừa diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là dịp để ngành văn hóa Thủ đô tổng kiểm kê, đánh giá hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù sau hơn 3 năm được UNESCO vinh danh.
Để có thể "trình làng" các làn điệu ca trù cổ, ca nương Bạch Vân, Chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội đã phải thức trắng trước đêm diễn để chăm sóc sức khỏe cho các nghệ nhân cao tuổi. "Các cụ đã ngoài 80, 90 tuổi, giữa mùa đông lạnh giá thế này, không quan tâm, chăm sóc cẩn thận chẳng may các cụ hắt hơi, sổ mũi mà phải hủy diễn thì liên hoan sẽ không trọn vẹn. Tôi cũng sẽ không biết phải ăn nói với gia đình các cụ thế nào khi mình là người đi mời và đón các cụ tham gia liên hoan" - ca nương Bạch Vân cho biết.
Một tiết mục ca trù của đào nương Quỳnh Vân (CLB ca trù Lỗ Khê).
Ảnh: Nguyễn Khánh
Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong hai ngày diễn ra LH, nhiều người không thể kìm nén cảm xúc mỗi khi tiết mục biểu diễn bắt đầu hoặc kết thúc, BTC phải bố trí người lên dìu các nghệ nhân lên, xuống sân khấu, nhưng dường như sức khỏe và tuổi già không phải là trở ngại với lớp nghệ nhân tên tuổi của làng ca trù. Các cụ Đỗ Thị Khuê 94 tuổi, Vũ Văn Hồng 93 tuổi, Nguyễn Phú Đẹ 90 tuổi, Nguyễn Thị Sinh 90 tuổi, Ngô Trọng Hùng 86 tuổi, Nguyễn Thị Chúc 83 tuổi… đánh trống vẫn giòn, gõ phách vẫn vang, lời ca vẫn vượt mà, luyến láy điêu luyện, tinh tế. Tiếc rằng, niềm say mê và tình yêu ca trù ngấm vào máu thịt ấy chưa truyền kịp cho các thế hệ đi sau nên Liên hoan Ca trù cổ Hà Nội vắng bóng nghệ nhân trẻ.
Xót xa hơn, bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm CLB Ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên) nói: CLB Chanh Thôn vừa mất đi một ca nương 87 tuổi, mất một kép đàn lừng danh. Khi các nghệ nhân ốm tịnh không có cơ quan, đoàn thể nào đến thăm hỏi. Lúc các nghệ nhân mất cũng không có ai hay. Còn giọng ca rất ngọt của CLB Ca trù Lỗ Khê (Đông Anh) Phạm Thị Mận có hoàn cảnh hết sức éo le. Một mình chị nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn và phải đi ở nhờ, nhưng có chút vốn liếng ca trù nào cũng đem dốc cạn cho lớp trẻ.
Một vài năm nữa, những "báu vật nhân văn sống" như cụ Khuê, cụ Hồng, cụ Đẹ, cụ Chúc… không còn, liệu di sản ca trù sẽ ra sao?
Di sản sẽ ra sao?
Di sản ca trù sẽ ra sao là một câu hỏi lớn đang đặt ra với công tác bảo tồn. Chị Nguyễn Thị Thảo, CLB Ca trù Lỗ Khê cho biết: Trước đây, CLB còn được huyện Đông Anh hỗ trợ một phần kinh phí để mua trang thiết bị, đạo cụ duy trì sinh hoạt. Hai năm gần đây, nguồn kinh phí ít ỏi này không thấy đâu nữa. "Cũng vì ít được quan tâm nên khi vận động lớp trẻ học ca trù, các cháu đặt câu hỏi: Học để làm gì? biểu diễn cho ai xem?... Trong khi đó, nếu dành nhiều thời gian cho niềm đam mê ca trù mà học yếu văn hóa thì trước hết các cháu bị gia đình, nhà trường nhắc nhở, xa hơn tương lai của các cháu sẽ bị ảnh hưởng", bà Nguyễn Thị Ngoan bộc bạch. Bà Ngoan cho biết thêm: "Tôi là chủ nhiệm CLB ca trù nhưng không hề biết hát ca trù. Tôi phải đứng ra tổ chức các lớp học, vận động các nghệ nhân truyền dạy. Có chút lương hưu nên tôi mới có thể "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng như thế".
Ở nơi "ăn nên làm ra" bậc nhất Hà Nội hiện nay như CLB Ca trù Thăng Long thì ca nương Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm CLB cũng phải ngậm ngùi: "Khi có hoạt động thu tiền xem biểu diễn, người ta nghĩ đây là hoạt động kinh doanh và phải có lợi nhuận. Nhưng thực tế thì, tiền thu được từ biểu diễn chỉ đủ xăng xe cho người đi biểu diễn mà thôi".
Ai cũng biết, nếu di sản không có lộ trình, chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị sau 5 năm được vinh danh thì sẽ bị rút danh hiệu. Thế nhưng đã hơn 3 năm kể từ ngày ca trù được UNESCO vinh danh, điều kiện cần và đủ để ca trù ở Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác tồn tại và phát triển vẫn chỉ ở vạch xuất phát. Nếu các cơ quan hữu quan không nhanh chóng đưa ra biện pháp bảo tồn cấp bách thì rõ là ca trù đang đứng trước nguy cơ bị rút danh hiệu. Điều này chắc hẳn không ai mong muốn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.