(HNM) - Thấy lạ khi nghe tin ca sĩ Quang Hào, Á quân Sao Mai 2005, sắp ra album "Ôi một người con gái" gồm toàn ca khúc phổ nhạc thơ Bùi Giáng. Văn nghệ sĩ, công chúng yêu thơ hồi hộp đón chờ.
Với riêng Quang Hào, ngoài tình yêu dành cho thơ cụ Bùi, anh còn đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, kinh tế để cho ra mắt một sản phẩm âm nhạc chất lượng. Hànộimới trò chuyện với ca sĩ Quang Hào về "dự án" mới của anh.
- Do đâu mà anh có ý tưởng làm album phổ nhạc thơ Bùi Giáng?
- Khoảng cuối năm ngoái, trong một lần đi diễn, tôi gặp nhạc sĩ Trần Quế Sơn và nghe anh hát vu vơ vài câu trong ca khúc mà anh phổ nhạc theo thơ Bùi Giáng. Tôi rất thích, đòi nghe các ca khúc ấy, tự nhiên ngấm liền và thấy hợp với mình nên đặt vấn đề sẽ thu âm các ca khúc này. Lúc đó, nhạc sĩ Trần Quế Sơn đang viết rất nhiều bài hát phổ theo thơ Bùi Giáng và đang tìm người hát. Đó là sự may mắn, một cái duyên, một niềm vinh hạnh khi được đến với thơ cụ Bùi.
Ca sĩ Quang Hào. |
- Anh có thể giới thiệu sơ qua về album phổ theo thơ Bùi Giáng sắp ra mắt?
- Album có tên "Ôi một người con gái", gồm 7 ca khúc phổ nhạc theo thơ Bùi Giáng: "Chào nguyên xuân", "Thôn nữ", "Gót son lấp vùi", "Thưa các em miền Nam", "Ôi một người con gái"… Tất cả đều là nhạc của Trần Quế Sơn, Quang Hào hát, thu tại phòng thu Nhật Trung và Công Trí phụ trách hình ảnh, design. Có một điều trùng hợp ngẫu nhiên là Bùi Giáng quê ở Quảng Nam, cả nhạc sĩ Trần Quế Sơn, Quang Hào, Công Trí cũng quê ở Quảng Nam. Có lẽ cụ Bùi linh thiêng đã đưa đến một êkip làm việc toàn người Quảng.
- Ai cũng tò mò không biết thơ của Bùi Giáng được phổ nhạc sẽ mang âm hưởng thế nào?
- Rất nhiều người yêu thơ Bùi Giáng và đã phổ nhạc những bài thơ của cụ rồi, nhưng đây là lần đầu tiên các nhạc phẩm này được đưa ra công chúng. Ở chúng có cái gì đó phiêu linh, rất đời như tinh thần của thơ Bùi Giáng. Mỗi ca khúc mang một sắc thái riêng nhưng không lạc nhau, có âm hưởng rock, ballad, R&B ballad…
- Ca từ của ca khúc có giữ nguyên bản thơ Bùi Giáng?
- Đọc thơ Bùi Giáng bạn sẽ thấy ý thơ thú vị, lời thơ độc đáo thế nào. Giữ nguyên thơ Bùi Giáng sẽ để dấu ấn cho người nghe. Thực sự đây là những ca khúc mà mới nghe còn khó hiểu, chứ hiểu rồi thì sẽ rất khó quên.
- Trước đây Quang Hào đã đọc và yêu thơ Bùi Giáng?
- Trước đây tôi chưa biết nhiều thơ cụ Bùi, nhưng khi nghe thì cảm được. Bắt tay vào dự án này Quang Hào mới tìm hiểu nhiều về thơ, cuộc đời và con người ông. Có những đoạn thơ không hiểu, tôi phải đi hỏi nhiều người, gặp gỡ những người bạn thân của cụ Bùi. Tôi nghĩ, chỉ một bài thơ Bùi Giáng có khi cả đời người cũng chưa chắc hiểu hết được. Sự trải nghiệm cuộc sống qua thời gian mới giúp ta cảm nhận rõ hơn về thơ cụ. Từ khi làm album, tập thơ "Mưa nguồn" của Bùi Giáng là sách gối đầu giường, đi đâu Hào cũng mang theo. Đọc thơ Bùi Giáng thấy cụ yêu người con gái lầm than, yêu từng vật nuôi, cây cỏ nhỏ bé… Điều ấy khiến tôi yêu cuộc sống hơn, như được trải lòng và tìm thấy sự bao dung.
- Chưa ai hát trước công chúng và làm hẳn album phổ nhạc thơ Bùi Giáng. Việc anh làm trong suốt một năm qua có quá mạo hiểm?
- Đã làm album thì phải đặt yếu tố nghệ thuật lên hàng đầu. Người yêu thơ Bùi Giáng rất nhiều, nhưng mình cũng phải tính tới thẩm mỹ âm nhạc của công chúng hiện nay. Thực ra khi làm album này tôi đang vay nợ ngân hàng. Mạo hiểm đấy, nhưng có thể nhìn thấy đích - nghệ thuật.
- Quá khó để hình dung về một album toàn bài phổ thơ Bùi Giáng. Sẽ không ít người liên tưởng tới những ca khúc đầy tính triết học, thân phận như của Trịnh Công Sơn. Liệu có phải thế không?
- Không hề. Album này có chút đồng quê, nghịch ngợm mà rất đời, lại có chút lãng mạn của Trần Quế Sơn, sự tinh tế của Nhật Trung và sự trẻ trung, mượt mà của Quang Hào.
- Xin cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.