(HNM) - Ngành cà phê Việt Nam vẫn giữ vị trí xuất khẩu thứ hai trên thị trường thế giới, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế như không tạo ra giá trị gia tăng, không có thương hiệu phải xuất khẩu thông qua các công ty nước ngoài...
Tại Diễn đàn Đối thoại và triển vọng ngành hàng cà phê Việt Nam do Ban Điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam (VCCB) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 1-12, các chuyên gia cảnh báo nếu không khắc phục các hạn chế trên thì cà phê Việt Nam sẽ đánh mất vị trí này.
Cà phê Việt Nam hiện đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. |
Giá xuất khẩu bấp bênh
Tại diễn đàn, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, niên vụ năm 2013-2014 tổng sản lượng các loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 1,6 triệu tấn, mang lại kim ngạch trên 3,4 tỷ USD. Còn trong 10 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu đã cao hơn cả năm 2013, tăng 33,5% về lượng và hơn 33% giá trị so với cùng kỳ 2013. Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đức và Hoa Kỳ là hai thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, tiếp theo là thị trường Italia, Tây Ban Nha, Nhật Bản… Đặc biệt, theo các doanh nghiệp (DN), xuất khẩu cà phê sang thị trường Trung Quốc tăng trong những năm gần đây. Đây là thị trường rất có lợi thế vì đường vận chuyển ngắn.
Dù lượng và giá trị đều tăng nhưng theo ông Lương Văn Tự, giá cà phê thời gian qua diễn biến phức tạp. Chẳng hạn, tháng 10 và 11-2013 giá cà phê nội địa xuống thấp chỉ còn 30.700 đồng/kg và giá xuất khẩu FOB tại cảng TP Hồ Chí Minh là 1.521 USD/tấn; ngược lại trong tháng 8-2013 giá cà phê nội địa đạt cao với 40.800 đồng/kg nhưng giá xuất khẩu chỉ đạt mức 2.037 USD/tấn. Bên cạnh đó, có đến 90% cà phê Việt Nam xuất khẩu thô, tỷ trọng xuất khẩu cũng chủ yếu thông qua các DN nước ngoài chứ không có thương hiệu. "Chúng ta có 150 DN xuất khẩu nhưng rất nhiều DN không được học bài bản nên thị trường cà phê hoạt động không hiệu quả làm cho ngành cà phê gặp sóng gió", ông Lương Văn Tự nói.
Còn ông Nguyễn Văn Tám, đại diện Chi nhánh Café Control Đắk Lắk cho biết, nguyên nhân chất lượng cà phê thấp là do tình trạng thu hoạch cà phê quả xanh còn phổ biến, nông dân chưa làm đúng quy trình. Cơ cấu cây trồng cũng chưa đạt khi tỷ lệ áp dụng cây trồng giống mới cũng chỉ dưới 20%. Bên cạnh đó, DN chưa quan tâm đầu tư máy móc hiện đại để chế biến ra cà phê có chất lượng.
Dù vậy, theo ông Lương Văn Tự, đánh giá của các quốc gia và chuyên gia, niên vụ tới nguồn cung cà phê sẽ thiếu hụt do giảm sản lượng ở các quốc gia sản xuất cà phê lớn và nhu cầu tiêu thụ tăng nên giá sẽ có xu hướng tăng. Vì vậy cà phê Việt Nam vẫn cần nâng cao chất lượng, thương hiệu và kỹ năng bán hàng hơn nữa để có thể bán với giá tốt. Giá trị gia tăng của cà phê còn rất nhiều nếu chúng ta biết cách đầu tư.
Nguy cơ mất vị trí thứ hai thế giới
Với tư cách một nhà xuất khẩu, ông Jonathan Windham Clark, Tổng Giám đốc Công ty Dak Man cho rằng, ngành cà phê Việt Nam còn rất nhiều thách thức, DN xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Jonathan Windham Clark, đầu tư vào máy móc để khắc phục hạn chế về chất lượng thì lợi nhuận sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu cũng gặp một số khó khăn khác như giá vận tải khiến chi phí tăng cao, chậm được hoàn thuế VAT…
Theo ông Lương Văn Tự, bắt đầu từ năm 2015 Việt Nam sẽ chính thức mở cửa thị trường các nước cộng đồng chung ASEAN và 6 hiệp định thương mại tự do đang đàm phán như TPP, các FTA với EU, Nga… Do vậy, các quốc gia trong khu vực sẽ có nhiều cơ hội đầu tư vào thị trường cà phê chế biến của Việt Nam. Đây là thách thức của các doanh nghiệp chế biến cà phê Việt Nam khi phải cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Theo ông Tự, thuế nhập khẩu đối với loại cà phê chế biến tại các thị trường EU và một số nước khác rất cao. Tại thị trường Đức, thuế đối với 1kg cà phê chế biến lên đến 2 euro, vì vậy Trung Nguyên đã đầu tư sang Đức nhưng không thể phát triển. Chính vì vậy, để bảo vệ các DN Việt Nam khi mở cửa thị trường, Chính phủ cần phải đàm phán vấn đề bảo hộ trong các hiệp định thương mại. Bên cạnh đó cần tiếp tục cho xúc tiến thương mại xây dựng thương hiệu. Nhà nước cũng cần hỗ trợ lãi suất cho các DN chế biến đầu tư các cơ sở chế biến. Hiện nếu đầu tư nhà máy hòa tan công suất 4 triệu tấn thì mất 40 triệu USD trong khi lãi suất ngân hàng còn cao khiến nhiều DN Việt Nam khó có thể đầu tư để gia tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, theo ông Lương Văn Tự, nếu nông dân không hỗ trợ tái canh trồng mới cây cà phê thì với lượng cà phê già cỗi hiện nay, trong 10-15 năm nữa nguy cơ Việt Nam sẽ mất đi vị trí đứng thứ hai thế giới như điều đã từng diễn ra ở Indonesia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.