(HNMO) - Ngày 15-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030” và công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long, tại Việt Nam, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm đã xảy ra ở diện rộng, gây tổn thất rất lớn, như: Dịch cúm gia cầm A/H5N1; năm 2019, bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại kinh tế khoảng 28.000 tỷ đồng; dịch lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục...
Thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành Thú y giai đoạn 2012-2020”, cả nước đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật về thú y khá đồng bộ; tăng cường kiểm soát dịch bệnh động vật, kiểm soát giết mổ, an toàn thực phẩm và quản lý thuốc thú y. Cả nước đã xây dựng thành công 1.600 chuỗi, vùng chăn nuôi với hàng chục triệu con gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh; 100% nhà máy sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn thực hành tốt GMP; áp dụng công nghệ, quy trình và kỹ thuật tiên tiến, sản xuất được hơn 12.000 loại thuốc thú y, đáp ứng hơn 80% nhu cầu trong nước, đặc biệt là các loại thuốc về phòng, chống bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh... Cả nước cũng đã có hơn 1.230 cơ sở giết mổ tập trung được quy hoạch, đi vào hoạt động, bảo đảm an toàn thực phẩm và môi trường...
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý thú y còn khó khăn, như: Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn xảy ra, nhiều địa phương không đủ nguồn nhân lực thực hiện việc kiểm soát giết mổ, hiện nay mới chỉ kiểm soát được 22% trong tổng số 24.655 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ...
Nhằm kiện toàn, củng cố, đầu tư tăng cường năng lực và nguồn lực của hệ thống quản lý về thú y các cấp từ trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ thú y hiệu quả, hiệu lực, phù hợp thực tiễn, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, giai đoạn 2021-2030, ngành Nông nghiệp tiếp tục kiện toàn, củng cố, tăng cường năng lực cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y theo quy định của Luật Thú y. Cả nước có ít nhất 3.000 cơ sở, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được xây dựng và công nhận an toàn dịch bệnh; 70% số lượng gia súc lưu thông tại thị trường được giết mổ tập trung; 50% số lượng gia cầm được giết mổ tập trung...
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, để nâng cao năng lực quản lý của hệ thống thú y từ Trung ương đến địa phương nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm thiểu số vụ ngộ độc nghiêm trọng do thực phẩm có nguồn gốc từ động vật gây ra, cần nâng cao năng lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Các địa phương rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; đánh giá lại chất lượng, an toàn, hiệu quả các loại kháng sinh sử dụng trong thú y, rà soát lại danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.