(HNMCT) - “Mùa hoa lê-ki-ma nở, ở quê ta miền đất đỏ. Sông núi vẫn nhắc tên người Anh hùng…”. Tôi đã đến Nghĩa trang Hàng Dương vào một ngày hè tháng 7 cách đây vài năm và đến tận bây giờ vẫn không sao quên được cảm giác đứng trước mộ chị Võ Thị Sáu giữa đêm khuya và cùng một người bạn, chúng tôi nhẹ cất lên tiếng hát ấy. Và rồi, không ai bảo ai, cả đoàn của chúng tôi cùng cất tiếng hát, rồi nhiều đoàn khác nữa cũng hát cùng chúng tôi. Cứ thế tiếng hát cất lên từ trái tim tất cả mọi người có mặt ở nghĩa trang hôm đó, bên mộ người nữ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước ngay giữa lúc tuổi thanh xuân đẹp nhất.
Ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu được nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (1929 - 2016) sáng tác năm 1958 trong một cuộc vận động sáng tác về đề tài người con gái miền Nam. Bài hát được nhạc sĩ khơi nguồn cảm hứng và sáng tác nên khi đọc tác phẩm Vượt Côn Đảo của nhà văn Phùng Quán, trong đó có chi tiết chị Võ Thị Sáu thời bé rất thích hoa lê-ki-ma. Dễ cảm nhận thấy, dù là một bài hát sáng tác nhằm khích lệ tinh thần quân dân trong cuộc kháng chiến trường kỳ nhưng tác phẩm cũng đầy chất trữ tình, dễ chạm vào cảm xúc người nghe.
Cuối năm 1964, đầu 1965, báo Quân đội nhân dân liên tiếp phản ánh tấm gương chiến đấu anh dũng, sẵn sàng hy sinh thân mình vì Tổ quốc của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân, người chiến sĩ cách mạng nổi tiếng với câu nói: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”. Hình ảnh ấy đã như một tấm gương sáng, lan tỏa rộng khắp toàn quân và dân cả nước, đồng thời khơi nguồn cho nhiều tác phẩm thi ca ra đời.
Có thể kể tới ca khúc Cùng anh tiến quân trên đường dài của nhạc sĩ Huy Du được phổ nhạc từ bài thơ của nhà thơ Xuân Sách. “Nguyễn Viết Xuân, trận địa khắp nơi nơi, anh lại đứng bên tôi: Nhằm quân thù mà bắn! Đôi mắt như lửa soi, đốt thiêu quân thù này”... Những lời ca vừa tràn ngập tình yêu quê hương đất nước, tràn ngập tinh thần tuổi trẻ, đầy chất hào sảng, trầm hùng đã nhanh chóng chiếm trọn trái tim người nghe.
Năm 1968, nhà thơ Lê Anh Xuân sáng tác bài thơ Dáng đứng Việt Nam, trong đó có những câu thơ: “Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân…”. Bài thơ khắc họa hình tượng những người chiến sĩ Quân giải phóng đã hy sinh trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968 tại sân bay Tân Sơn Nhất trong tư thế hết sức đặt biệt: Người dựa vào xác chiếc trực thăng của địch, tay vẫn kẹp súng trong tư thế chĩa họng súng về phía trước.
Và hình ảnh “dáng - đứng - Việt - Nam tạc vào thế kỷ” đã được nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ chắp cánh thành những lời ca và Dáng đứng Việt Nam lan tỏa rộng khắp trong trái tim những người yêu quê hương, đất nước, mang khát vọng hòa bình.
Bên cạnh những ca khúc, áng thơ ca ngợi tấm gương anh dũng hy sinh của người chiến sĩ cách mạng đã trở thành bất hủ được ra đời trong chính những năm tháng chiến tranh, vẫn tiếp tục có những sáng tác về mảng đề tài này sau khi đất nước đã thống nhất, non sông thu về một mối gây được sự xúc động mạnh cho người nghe.
Mấy ai trong số chúng ta chưa một lần cất lên lời ca: “Vết chân tròn, vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi. Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương…”.
Một hình ảnh tuyệt vời, lãng mạn cách mạng. Trong chiến tranh, họ là những chiến sĩ anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh thân mình vì Tổ quốc, vì đất nước. Khi hòa bình, trở về quê hương, trở về với đời sống thường nhật với một phần thân thể đã bỏ lại nơi chiến trường, họ vẫn tiếp tục viết lên những bài ca đẹp cho bức tranh cuộc đời.
Hình tượng ấy đã làm trái tim nhạc sĩ Trần Tiến, vốn đầy nhạy cảm và tràn đầy nhiệt huyết, tràn đầy nhựa sống rung động. Ấy là năm 1981, trong một lần về Tiền Hải, Thái Bình, nhạc sĩ Trần Tiến nhìn trên bờ cát thấy những dấu chân tròn từ chiếc nạng gỗ, vị nhạc sĩ hỏi người dân nơi đây về “những dấu chân bất thường này” và được biết đó là dấu chân của người thương binh đang trên đường đến trường dạy các em nhỏ ở trong làng. Và Vết chân tròn trên cát ra đời như thế.
Vào đầu năm 1990, trong chuyến đi thực tế vào Quảng Trị để sáng tác ca khúc đề tài chiến tranh, đi qua nhiều địa danh lịch sử như Khe Sanh, Ái Tử, Cồn Tiên, Dốc Miếu... và đặc biệt là Thành cổ Quảng Trị, nhạc sĩ Dân Huyền cảm nhận thấy ở những nơi từng là chiến trường khốc liệt, biết bao máu xương của cha anh, của đồng đội đã đổ xuống để ngày hôm nay, trên vùng đất ấy, những thảm cỏ xanh đã mọc lên một màu xanh bình yên.
Ca khúc Cỏ non Thành cổ với những lời ca tràn đầy cảm xúc được ra đời: “Cho tôi hôm nay vào Thành cổ, thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh…”.
Có lẽ khó có thể kể hết những ca khúc viết về đề tài thương binh - liệt sĩ, còn rất nhiều những giai điệu bất hủ ngân vang mãi trong trái tim những người Việt Nam như: Chùm ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn với Noi gương Lý Tự Trọng, Bài ca Ngô Mây, Ca ngợi Trần Thị Lý, Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương; hay Bài ca trên đỉnh Pò hèn (Thế Song), Lời anh vọng mãi ngàn năm (Vũ Thanh), Những cánh chim Hồng Gấm (Phạm Tuyên), Màu hoa đỏ (Thuận Yến)…
Rồi những ca khúc như Bài ca không quên, Đất nước (Phạm Minh Tuấn) hay những ca khúc ca ngợi người mẹ Việt Nam kiên cường bất khuất như Huyền thoại mẹ (Trịnh Công Sơn), Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (Nguyễn Văn Tý), Người mẹ của tôi (Xuân Hồng)...
Mảng đề tài này sẽ còn được nối dài với những tác phẩm mới của những thế hệ nhạc sĩ trẻ. Và chắc chắn, ở một đất nước, một dân tộc có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm thì những giai điệu ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, những tấm gương xả thân vì Tổ quốc đã và sẽ mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho các lớp nghệ sĩ sau này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.