Ngày 13-9, đại diện hãng Microsoft cho biết, Công ty Trung Quốc ByteDance Ltd. đã từ chối giá thầu của tập đoàn này mua lại ứng dụng chia sẻ video TikTok tại Mỹ.
Trong một thông báo, Microsoft cho biết: “Công ty ByteDance đã cho chúng tôi biết hôm nay họ sẽ không bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Microsoft", đồng thời cho biết đề xuất của Microsoft sẽ tốt cho người dùng TikTok và bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia”.
Trước đó, Microsoft được coi là chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán mua lại TikTok tại Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán gần đây giữa hai bên có vẻ không có tiến triển.
Cùng ngày, một nguồn tin cho biết, Oracle đã được lựa chọn trúng thầu mua các hoạt động của TikTok tại Mỹ và Oracle được công bố là đối tác công nghệ đáng tin cậy của TikTok tại Mỹ.
TikTok được hơn một tỷ người trên toàn thế giới, trong đó gồm khoảng 175 triệu người Mỹ sử dụng để tạo video ngắn trên điện thoại di động.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng, TikTok có thể được Trung Quốc sử dụng để theo dõi vị trí của nhân viên liên bang, lập hồ sơ cá nhân để tống tiền hay thực hiện hoạt động gián điệp doanh nghiệp. TikTok nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Ứng dụng chia sẻ video này đã trở thành tâm điểm của "cơn bão ngoại giao" giữa Washington và Bắc Kinh. Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức nằm trong quyền tài phán của Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Hơn nữa, ngày 10-9, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không gia hạn cho TikTok và ứng dụng này sẽ bị bán hoặc bị đóng cửa vào ngày 15-9.
Phản ứng trước động thái trên, ngày 24-8, TikTok chính thức kiện Chính phủ Mỹ lên tòa án liên bang vì sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump nhằm vào ứng dụng video ngắn này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.