(HNMO)- Sáng 15/11, lãnh đạo BV Đa khoa Hà Nội đã có buổi trao đổi với báo chí về trường hợp bệnh nhân Trần Thị Tưởng bị hôn mê sâu sau khi đến khám lại tại BV vào ngày 8/11.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn khẳng định BV sẽ có trách nhiệm đến cùng với bệnh nhân |
PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn, GĐ chuyên môn BV khẳng định không có chuyện BS điều trị lánh mặt mà đang đi tập huấn tại Thái Lan theo chương trình có từ trước. Toàn bộ quá trình điều trị cho BN Trần Thị Tưởng (ở Bắc Ninh) hoàn toàn đúng theo quy trình chuyên môn.
Theo báo cáo sơ bộ ban đầu, bệnh nhân Trần Thị Tưởng (51 tuổi, ở Đa Hội, Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) đi khám nội soi tai mũi họng, được chẩn đoán hạt xơ dây thanh có chỉ định phẫu thuật. Ngày 30/10/2012, bệnh nhân vào BV Đa khoa Hà Nội thực hiện phẫu thuật cắt hạt xơ dây thanh và ra viện cùng ngày. BS Nguyễn Thị Hoài An là người thực hiện phẫu thuật.
Đến ngày 8/11, bà Tưởng đến khám lại theo hẹn của BS Hoài An. Kết quả cho thấy có nang nước ở dây thanh bên trái nên bà được chuyển lên phòng mổ bấm nang nước.
Các bác sĩ gây mê tiến hành xịt thuốc Xylocain 10% (là thuốc sử dụng phổ biến và không phải thử phản ứng đối với bệnh nhân theo quy định của Bộ Y tế). Bệnh nhân cũng đã từng sử dụng thuốc này 10 ngày trước cho phẫu thuật hạt xơ dây thanh thành công. Tuy nhiên, khi xịt đến lần thứ 2 (theo chỉ định là phải 3 lần) và đặt càng soi thì các bác sĩ phát hiện phân áp ôxy (SP02) của bệnh nhân giảm đột ngột từ 99% xuống còn 43% nên tháo càng soi để tiến hành cấp cứu.
Chuẩn đoán sơ bộ bệnh nhân bị co thắt thanh quản cấp, các BS đã hô hấp hỗ trợ nhưng không có kết quả vì nhiều đờm và thanh quản co thắt. BV cũng đã xử lý ép tim ngoài lồng ngực và sử dụng thuốc hỗ trợ cấp cứu: Natriclorid 0,9%; Manitol 20%; Natribicarbonat 1,4%.
Lãnh đạo BV đã lập tức xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành gây mê hồi sức của Việt Nam và quyết định chuyển bệnh nhân sang BV Việt Đức vì tại đây có các máy thở chuyên nghiệp. Cho đến sáng nay (15/11), bệnh nhân vẫn còn mạch, còn huyết áp, đồng tử còn phản xạ nhưng vẫn trong tình trạng hôn mê, phải thở bằng máy.
“Hàng ngày, lãnh đạo BV vẫn thường xuyên thăm hỏi tình hình, theo sát mọi diễn biến của bệnh nhân, đồng thời nhờ các GS.BS đầu ngành của BV Việt Đức giúp đỡ. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm đến cùng và không bao giờ có chuyện bỏ rơi bệnh nhân sau khi đã được chuyển đến bệnh viện khác. Sự cố xảy ra khiến cho BV hết sức xót xa…Còn nguyên nhân vì sao bệnh nhân bị co thắt khí quản thì sẽ có cơ quan chuyên môn đánh giá. BV đã gửi báo cáo sơ bộ cho thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng khác” - PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn khẳng định.
Ngày 14/11, lãnh đạo BV cũng đã có buổi gặp gỡ, chia sẻ với những băn khoăn, lo lắng của gia đình bà Tưởng. Giữa hai bên đã đi đến thống nhất và ký biên bản thỏa thuận với 3 nội dung. Thứ nhất, vào tối mai (16/11), ngay khi BS Hoài An kết thúc chuyến công tác, trở về Hà Nội sẽ có bản giải trình đầy đủ về quá trình thực hiện ca phẫu thuật; Thứ hai, BV Đa khoa Hà Nội sẽ hỗ trợ các chi phí từ khi bệnh nhân nhập viện tại BV Đa khoa Hà Nội cũng như BV Việt Đức và cuối cùng là trong tình huống xấu nhất, bệnh nhân tử vong thì phía gia đình sẽ có quyền khiếu nại lên các cơ quan chức năng.
Giải thích thêm về việc PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài An - người điều trị trực tiếp cho bà Tưởng không có mặt ở BV trong thời gian bệnh nhân được chuyển sang điều trị bên BV Việt Đức, PGS.TS Hoàng Sơn khẳng định: không có chuyện BS.An trốn tránh trách nhiệm, lánh mặt như người nhà hiểu nhầm. BS. An đi tập huấn ở BV RaJavithi ở Thái Lan theo chương trình thư mời của BV này. Đây là chương trình đào tạo thường niên với nội dung cấy điện ốc tai cho bệnh nhân. Theo dự kiến, BS Hoài An sẽ trở về VN vào ngày 16/11 và trực tiếp làm việc với người nhà bệnh nhân như đã hẹn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.