Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buýt đường thủy “giảm nhiệt” cho đường bộ

Gia Bảo| 07/08/2017 06:49

(HNM) - Tuyến buýt đường sông đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào giữa tháng 8 này, giúp giảm tải,

Hệ thống cầu sắt trên sông Sài Gòn đã sẵn sàng cho hoạt động của tuyến buýt đường sông.


Sẵn sàng hoạt động

Theo ghi nhận, từ điểm đầu (bến Bạch Đằng, quận 1) đến điểm cuối (Linh Đông, quận Thủ Đức) của tuyến buýt đường sông số 1, hai bên dọc sông Sài Gòn đều được lắp đặt cầu kết nối và hạ tầng bến bãi phục vụ cho hành khách lên, xuống. Cụ thể, tại điểm bến dưới cầu Sài Gòn (quận 2) 2 cầu sắt kết nối với tuyến đường Trần Não đã sẵn sàng, thuận tiện cho người dân di chuyển bằng xe buýt đến bến. Còn tại khu vực bến Bạch Đằng, điểm đón trả khách được lắp đặt bằng hệ thống giàn nổi ven bờ sông. Cạnh đó, đơn vị thi công cũng xây dựng một bãi giữ xe công cộng phục vụ hành khách gửi xe rồi di chuyển bằng buýt đường sông...

Trong khi đó, tại xưởng đóng tàu của Công ty TNHH Thương mại Tân Viễn Đông (đơn vị cung cấp tàu sử dụng cho tuyến buýt sông), công tác đóng tàu cơ bản hoàn tất. Các kỹ sư và công nhân đang khẩn trương hoàn thiện những công đoạn phụ cuối cùng trước khi hạ thủy, vận hành kỹ thuật thử và sẵn sàng cho hoạt động chính thức của tuyến buýt dự kiến giữa tháng 8 tới.

Vui mừng trước việc buýt đường sông lần đầu tiên sắp hoạt động, chị Đỗ Thị Hương (ngụ quận Thủ Đức) bộc bạch, với lợi thế nhiều tuyến sông, kênh, rạch, việc TP Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động tuyến buýt sông phù hợp và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Khi di chuyển bằng đường thủy, người dân không lo kẹt xe, rút ngắn lộ trình và thời gian so với đường bộ.

"Thời gian tới, rất mong chính quyền thành phố nâng cao chất lượng dịch vụ tuyến buýt sông và ngày càng đa dạng hóa loại hình dịch vụ vận tải hành khách công cộng để người dân có thêm nhiều lựa chọn. Đồng thời, cần khắc phục những bất cập, hạn chế của các loại hình vận tải hành khách công cộng hiện nay" - Chị Hương nói.

Nhiều tiện ích

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy (Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh) cho hay, để vận hành chính thức những con tàu này, cơ quan chức năng cũng như các đơn vị liên quan đều tuân thủ và kiểm tra nghiêm ngặt những điều kiện về an toàn kỹ thuật cũng như chất lượng phương tiện, kỹ năng người lái tàu, luồng tuyến, hạ tầng phục vụ, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, áo phao, đặc biệt là yếu tố an toàn cho hành khách được đặt lên hàng đầu. Cũng theo ông Bằng, kế hoạch dự kiến vẫn là giữa tháng 8 hoạt động nhưng nếu một số điều kiện liên quan không cho phép, cũng có thể lùi đến cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới.

Cũng theo Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, các vị trí làm bến bãi của tuyến buýt số 1 đều bố trí bãi giữ xe cho hành khách và hiện một số bến đã có kết nối với đường bộ bằng xe buýt như: Bạch Đằng, Linh Đông. Còn những bến chưa có kết nối, nhà đầu tư đã đề xuất sử dụng xe buýt điện hoặc liên hệ với đơn vị vận tải bố trí lộ trình cho xe buýt chạy vào nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Trong quá trình hoạt động, nhà đầu tư cũng sẽ dần hoàn thiện những hạng mục phụ chưa xong để bảo đảm tính đồng bộ cho tuyến buýt đường sông.

Theo chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Thường Nhật, tuyến buýt đường sông số 1 thuộc dự án 2 tuyến vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh. Lộ trình từ bến Bạch Đằng đến Linh Đông, dài gần 11km, chạy dọc sông Sài Gòn qua địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Dọc tuyến có 9 bến bãi, trạm dừng gồm: Bến trung tâm Bạch Đằng (quận 1); bến số 1-3 và 1-4 (quận 2); bến số 1-2, 1-5 và 1-6 (quận Bình Thạnh); bến số 1-7, 1-8 và 1-9 (quận Thủ Đức).

Tuyến buýt sẽ có 5 tàu được đưa vào khai thác, mỗi tàu 80 chỗ, trong đó, 4 tàu vận chuyển hằng ngày và 1 tàu dự bị. Thời gian di chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối của toàn tuyến khoảng 30 phút và thời gian mỗi tàu cập bến đón, trả khách trong khoảng 3 phút. Giá vé ban đầu là 15.000 đồng/người/lượt, tùy tình hình thị trường sẽ tiến hành điều chỉnh sau.

Khi tuyến buýt sông đi vào hoạt động sẽ giúp "chia lửa" cho giao thông đường bộ, rút ngắn lộ trình và thời gian di chuyển, thúc đẩy phát triển ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do loại hình mới, lại di chuyển bằng đường sông nên chi phí hoạt động cao, giá vé sẽ cao hơn so với các phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng đường bộ.

Tháng 5-2017, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Thường Nhật chính thức ký hợp đồng theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) đầu tư dự án 2 tuyến vận tải hành khách công cộng hoạt động trên sông Sài Gòn. Tuyến số 1 chuẩn bị đưa vào khai thác, còn tuyến số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm, dài hơn 10km) dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2018.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buýt đường thủy “giảm nhiệt” cho đường bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.