(HNM) - Hiện trạng
Tàu thủy là “buýt đường sông” sẽ giảm tải cho đường bộ. |
Tiềm năng chưa được khai thác
TP Hồ Chí Minh có 112 tuyến sông, kênh, rạch với gần 1.000km chiều dài là một lợi thế cho hoạt động giao thông thủy. Trong thời gian qua, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy chiếm tỷ trọng khá lớn đã tận dụng được lợi thế này. Thế nhưng, hoạt động du lịch và vận chuyển hành khách công cộng đô thị bằng đường sông lại chưa được khai thác đúng tiềm năng. Trong khi đó, phát triển giao thông thủy không phải là điều mới mẻ với TP Hồ Chí Minh, loại hình này đã có thời "vàng son" trước đó. Điển hình là dòng kênh Bến Nghé - Tàu Hủ đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8 đã từng là một địa chỉ giao thương của các thương lái miền Tây, gắn liền với lịch sử phát triển của TP. Tiến sĩ Lê Kinh Vĩnh (ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tuyến kênh Bến Nghé - Tàu Hủ có đủ điều kiện để tổ chức "ghe - buýt", "ca nô - buýt" nội thành. Làm được điều này không những san sẻ bớt áp lực kẹt xe thường xuyên trên đường bộ, mà còn tạo được một nét riêng vì các tuyến kênh còn giữ vai trò điều hòa môi trường nước tự nhiên và tôn tạo vẻ đẹp cho TP. Việc hình thành Đại lộ Đông - Tây chạy dọc tuyến kênh sẽ làm tăng thêm giá trị khai thác về kinh tế, xã hội của tuyến kênh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tuyến kênh này đã "chết" do bị ô nhiễm, lấn chiếm khiến TP đang phải đầu tư rất lớn để chỉnh trang.
Còn theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, để giải quyết tình trạng ùn tắc đường bộ trong điều kiện quỹ đất giao thông hạn hẹp thì đầu tư, xây dựng các tuyến vận chuyển bằng đường sông là rất cần thiết và khả thi. Theo quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy, cảng và bến đến năm 2020, TP sẽ có 87 tuyến đường giao thông thủy với tổng chiều dài hơn 574km. Các tuyến liên tỉnh sẽ kết nối TP Hồ Chí Minh với miền Tây, miền Đông; các tuyến hỗ trợ đường biển kết nối với sông Soài Rạp, cảng Hiệp Phước… cũng được tăng cường.
Chia tải nội đô bằng buýt đường sông
Cũng theo quy hoạch giao thông thủy đến năm 2020, nội thành TP sẽ có 3 tuyến đường sông. Tuyến vành đai trong (sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Đay - kênh Tham Lương - kênh 19/5 - rạch Nước Lên - sông Bến Lức - kênh Đôi - Tẻ - sông Sài Gòn). Tuyến dọc theo trục Đông - Tây và các tuyến riêng lẻ, gồm Lò Gốm - Ông Buông, Thanh Đa…
Lãnh đạo TP đã chấp thuận chủ trương cho phép lập dự án thí điểm mở 2 tuyến vận chuyển khách công cộng bằng đường sông (buýt đường sông) theo đề xuất của Công ty TNHH Thường Nhật (Daily Express). Các tuyến này sẽ vừa chia tải với đường bộ, vừa mở ra một loại hình du lịch thú vị cho du khách. Cụ thể, tuyến số 1 từ bến đò Bình Quới (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) xuôi theo sông Sài Gòn đi qua khu Bình Quới - Thanh Đa - Thảo Điền về bến Bạch Đằng và ngược lại. Tuyến số 2 bắt đầu từ ở cuối tuyến 1 (là bến Bạch Đằng) kênh Bến Nghé - Tàu Hũ đi qua các quận 4, 5, 6 rồi kết thúc ở quận 8 và chiều ngược lại. Mỗi tuyến dài khoảng 11km và thời gian hành trình khoảng 30 phút. Dọc các tuyến có bến đón, trả khách kết nối thuận lợi với các tuyến xe buýt đường bộ; điểm giữ xe gắn máy, nhà chờ và kết hợp một số mô hình du lịch…
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Daily Express cho biết, tổng vốn đầu tư xây dựng các bến trung tâm và 8 tàu khách (sức chở 80 khách/tàu) khoảng 58 tỷ đồng. Giá vé đề xuất là 15.000 đồng/lượt. Sau một thời gian, nếu hai tuyến thí điểm hoạt động hiệu quả và TP cho phép thì sẽ mở các tuyến Bạch Đằng - Kênh Tẻ - Phú Mỹ Hưng; Miếu Nổi - Bình Lợi - Bình Triệu - Thanh Đa - Thảo Điền... để giảm tải cho nội đô và góp phần thúc đẩy ngành du lịch của TP thông qua các loại hình du lịch sinh thái, sông nước, tạo được cảnh quan đô thị và diện mạo mới cho TP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.