Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buông lỏng quản lý, thất thu ngân sách

Ánh Dương| 06/01/2014 06:59

(HNM) - Nhiều năm nay, trên địa bàn TX Sơn Tây vẫn tồn tại tình trạng UBND cấp xã, phường phó mặc cho hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) đứng ra quản lý đất công ích, tự thu - chi tiền quỹ đất… dẫn đến tình trạng hàng chục héc ta đất bị bỏ hoang, bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích...

Kinh doanh trung chuyển vật liệu xây dựng "tự phát" tại khu vực bãi Hồng Hậu, phường Phú Thịnh.



Sử dụng đất không đúng mục đích

Khu vực đất bãi Hồng Hậu, thuộc địa bàn các tổ dân phố Hồng Hậu, Yên Thịnh (phường Phú Thịnh) có diện tích 7,4047ha, trước đó là đất thổ cư của một số hộ gia đình sinh sống từ những năm 1970-1971... Khoảng năm 1990, do bờ sông Hồng bị lũ lụt, sạt lở, các hộ dân đã di chuyển sâu vào trong vùng đồng để ở, vùng đất bãi được chính quyền địa phương quản lý (khi đó là xã Viên Sơn). Do vùng đất bãi Hồng Hậu giáp ranh với cảng Sơn Tây (nằm trên địa bàn phường Lê Lợi) nên một số hộ gia đình ở xã Viên Sơn đã tự ý mở bến bãi kinh doanh vận chuyển cát, sỏi. Khó giải tỏa và cũng để "thuận tiện" cho việc quản lý, lại có nguồn thu, xã Viên Sơn đã... ký hợp đồng với các hộ kinh doanh bến bãi trung chuyển cát sỏi. Năm 2000, phường Phú Thịnh được thành lập. Trên cơ sở tồn tại cũ, UBND phường Phú Thịnh tiếp tục ký hợp đồng với các hộ này. Đến năm 2010, phường Phú Thịnh chấm dứt ký hợp đồng kinh doanh bến bãi trung chuyển cát sỏi ở bãi Hồng Hậu, chuyển sang ký hợp đồng thuê đất (HĐTĐ) nông nghiệp vào mục đích trồng cây với 9 hộ gia đình. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ có 4 hộ thực hiện theo hợp đồng, còn 5 hộ tự ý mở bến bãi kinh doanh trung chuyển VLXD. UBND phường đã ra thông báo chấm dứt HĐTĐ từ tháng 2-2013 do UBND phường Phú Thịnh không làm thủ tục thanh lý HĐ, nên các hộ vẫn... nghiễm nhiên sử dụng đất bãi Hồng Hậu để kinh doanh VLXD. Đến năm 2013, phường Phú Thịnh đã để thất thu hơn 50 triệu đồng tiền thuê đất từ 5 hộ này.

Trên địa bàn phường Trung Sơn Trầm, diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích có khoảng 7,36ha, không được quy hoạch tập trung do nằm rải rác ở các cánh đồng... Có 1,87ha diện tích ao, hồ, đầm được UBND phường ký hợp đồng giao thầu cho một số hộ gia đình. Số diện tích còn lại do nhỏ lẻ, nhiều mảnh ruộng chỉ rộng khoảng 40m2 đến 360m2, nên được chính quyền địa phương giao luôn cho các hộ có đất nông nghiệp liền kề sử dụng từ năm 1993. Tuy nhiên, từ đó đến năm 2012, diện tích đất nhỏ lẻ do các tổ trưởng dân phố theo dõi qua sổ sách, nên không thu được tiền sử dụng đất. Đầu năm 2013, phường Trung Sơn Trầm mới bắt đầu thực hiện ký hợp đồng với 115 hộ đang sử dụng đất công ích nhỏ, lẻ. Thế nhưng, "việc truy thu số tiền sử dụng đất công ích nhỏ, lẻ từ năm 2012 trở về trước là rất khó khăn" - ông Khuất Quang Thao, cán bộ địa chính phường Trung Sơn Trầm khẳng định. Không những thế, việc xác định ranh giới giữa đất nông nghiệp đã giao tới các hộ với thửa đất công ích liền kề - theo thừa nhận của Phó Chủ tịch UBND phường Trung Sơn Trầm Phùng Văn Phúc là "không thể thực hiện được"(?).

Đất công ích trên địa bàn phường Trung Sơn Trầm bị bỏ hoang.



HTX quản lý, thu - chi… tiền quỹ đất công ích

Từ trước năm 2009, đa số diện tích đất công ích trên địa bàn phường Xuân Khanh do HTXNN Mỹ Trung quản lý bằng sổ sách. Việc HTX thu, chi tiền quỹ đất công ích ra sao, UBND phường không nắm được. Mặc dù từ năm 2010, UBND phường Xuân Khanh bắt đầu thực hiện quản lý đất công ích bằng việc ký 9 HĐ giao thầu 165.374,6m2 đất công ích, nhưng tiền quỹ đất công ích do HTX đứng ra thu (?). Không chỉ vậy, UBND phường còn giao cho HTX quản lý 44.717m2 đất tại 13 đập nước trên địa bàn. Số tiền HTX thu từ quỹ đất công ích không được nộp vào ngân sách, mà chi tiêu sai mục đích 4,773 triệu đồng… Ngoài ra, trên địa bàn phường Xuân Khanh còn có hơn 15.000m2 đất đang trong tình trạng bỏ hoang do còn tồn tại một số vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm tại khu Gò Chẳng (4.934m2) và Đồng Rác (9.745m2). Riêng khu Đồng Rác, mặc dù UBND phường đã làm thủ tục thanh lý HĐ với người thuê thầu đất là ông Đặng Văn Minh từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn… chưa kết thúc(?).

Trên chỉ đạo…dưới không chấp hành

Tại xã Đường Lâm, hơn 30ha đất công ích nằm rải rác ở các thôn, không được quy hoạch thành thửa, vùng riêng biệt. Toàn bộ diện tích đất công ích được UBND xã giao cho HTXNN Đường Lâm quản lý. Năm 2005, UBND TX Sơn Tây đã có Thông báo số 99/TB-UBND, chỉ đạo UBND xã Đường Lâm: "… các diện tích quỹ đất công ích cần được rà soát, giao tập trung về UBND xã quản lý theo thẩm quyền…". Thực hiện chỉ đạo của UBND TX ngày 31-8-2005, HTXNN Đường Lâm đã bàn giao 35,86ha đất công ích về UBND xã Đường Lâm quản lý. Thế nhưng, ngay sau đó, ngày 1-9-2005, UBND xã Đường Lâm lại có HĐ kinh tế số 07/HĐKT, "giao cho HTXNN Đường Lâm trực tiếp quản lý 35,865ha đất công và công ích đã giao cho 721 hộ gia đình trong xã; thời gian HĐ tính từ ngày 1-1-2006 đến 31-12-2008". Như vậy trên thực tế, UBND xã Đường Lâm không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TX Sơn Tây, không trực tiếp quản lý quỹ đất công ích.

Trong số diện tích đất công ích trên địa bàn xã Đường Lâm, có khoảng 30,34ha đất giao thầu đến hộ, nhưng không ký HĐ mà chỉ được theo dõi trên sổ của các trưởng thôn. Còn 8,5ha diện tích ao, hồ, đầm và đất công được UBND xã ký HĐ giao thầu cho 17 hộ, trong HĐ thể hiện rõ địa chỉ, diện tích thửa đất, thời gian thực hiện HĐ… Tuy nhiên, có những HĐ đã hết hạn từ năm 2008, chưa được UBND xã thanh lý HĐ và ký tiếp (?). Hằng năm, HTXNN Đường Lâm ký HĐ với các trưởng thôn thu sản phẩm (quy đổi ra tiền mặt) của các hộ nhận thầu đất công ích. Tổng số tiền thu được từ việc giao thầu, cho thuê đất công ích từ năm 2007 đến năm 2011 là 57,557 triệu đồng, số nợ đọng của các hộ nhận giao thầu đất công ích tính đến hết năm 2012 là 240.000kg thóc. Nhưng, số tiền thu được từ quỹ đất công ích, UBND xã Đường Lâm không quản lý, mà để cho HTX tự thu - chi. Ngày 30-7-2013, UBND TX Sơn Tây có Kết luận thanh tra số 868/KL-UBND, nêu rõ “UBND xã Đường Lâm không quản lý đất nông nghiệp đúng quy định và việc HTXNN tự thu - chi tài chính là sai nguyên tắc”.

Để ghi nhận việc thực hiện các biện pháp khắc phục sai phạm sau kết luận thanh tra, phóng viên Báo Hànộimới được Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Giang Mạnh Hoằng bố trí lịch làm việc với ông Phan Văn Hòa, Phó Chủ tịch phụ trách khối kinh tế. Thế nhưng, trong buổi làm việc, ông Hòa một mực từ chối với lý do: "Những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất công ích, việc ký hợp đồng giao thầu đất công ích là do Chủ tịch UBND xã Giang Mạnh Hoằng và cán bộ địa chính thực hiện. Tôi không được Chủ tịch UBND xã giao làm việc với nhà báo, cũng không có văn bản nên không thể cung cấp thông tin…"(?).

Theo ông Tạ Thanh Phong, Chánh Thanh tra thị xã Sơn Tây: Trên cơ sở công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích trên địa bàn các xã, phường, tháng 7-2013, Đoàn công tác đã báo cáo kết quả thanh tra và kiến nghị những biện pháp cụ thể để lãnh đạo UBND thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc, thiếu sót, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, truy thu số tiền nợ đọng, tiền các HTX đã thu và chi sai quy định. Tuy nhiên, đến nay chỉ có một số phường (Viên Sơn, Trung Sơn Trầm…) báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra, còn lại đa số các xã, phường mới thực hiện được việc truy thu, nộp ngân sách tiền quỹ đất công ích…

Những "vướng mắc" trong công tác quản lý, sử dụng đất công ích tại các xã, phường rất cần được các ban, ngành thị xã Sơn Tây vào cuộc, có biện pháp giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích và không để xảy ra tình trạng thất thu ngân sách. Đặc biệt, tránh để xảy ra tình trạng lãnh đạo thị xã chỉ đạo xử lý vi phạm, nhưng UBND cấp xã, phường… chần chừ, không giải quyết dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buông lỏng quản lý, thất thu ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.