Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buông lỏng quản lý lao động tự do: Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Nguyên Hoa| 23/11/2013 06:06

(HNM) - Vụ cháy xảy ra ngày 19-11 tại khu nhà số 9 Trần Thánh Tông (quận Hai Bà Trưng) làm 6 lao động tự do (LĐTD) thiệt mạng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng sử dụng LĐTD tràn lan.

Người lao động cần được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cũng như kỹ năng an toàn trong lao động để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Ảnh: Bá Hoạt


Lao động tự do trước nhiều nguy cơ

Thủ đô Hà Nội đang trong thế kỷ phát triển, thu hút một lượng lớn lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến sinh sống và làm việc, trong đó có nhiều LĐTD. Người lao động (NLĐ) làm thuê chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, phục vụ nhà hàng, bán hàng, xe ôm, giúp việc, cắt tóc, gội đầu... Tuy số lượng đông, nhưng vì bị coi là lao động phi chính thức, nên nhóm đối tượng này chưa được bảo vệ quyền lợi chính đáng cũng như chưa được đào tạo kỹ năng an toàn trong lao động, nguy cơ xảy ra rủi ro là rất lớn.

Vụ cháy tại số 9 Trần Thánh Tông làm 6 người chết, trong đó có 5 người đều trú tại xã Yên Sơn (Quốc Oai), nguyên nhân đã được các cơ quan chức năng làm rõ là thợ hàn sơ ý khi thi công, để vẩy hàn bắn vào các vật liệu dễ cháy như bông, đệm cách âm khiến ngọn lửa bùng phát. Kết cấu của căn nhà chỉ có một cửa ra vào duy nhất, không có thiết bị thông gió nên đám cháy tạo ra nhiều khói độc. Do thiếu những kỹ năng cần thiết để ứng phó nên các nạn nhân đã tử vong do ngạt khói. Trước đó, đã có hàng loạt vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra với LĐTD. Cụ thể, ngày 18-5-2013, 3 thợ cơ khí đang sửa chữa thang máy trên tầng 18, tòa nhà CT10, thuộc khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì), bất ngờ thang máy rơi khiến cả 3 tử vong tại chỗ. Đại diện chủ đầu tư khu đô thị Đại Thanh cho biết, cả 3 nạn nhân đều là thợ cơ khí được nhà thầu phụ thuê làm việc thời vụ nên hai bên chỉ thỏa thuận lương tháng. Gần đây, ngày 7-11, tại công trình xây dựng tòa nhà Văn phòng phẩm Hồng Hà (Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm) khi một nhóm lao động đang làm việc bên ngoài thì bị một tảng vật liệu xây dựng từ trên tầng cao tòa nhà rơi trúng, khiến 3 người bị thương nặng.

LĐTD thường gặp rất nhiều khó khăn như: Dễ bị thải hồi, bị ép lao động quá sức, môi trường làm việc độc hại nhưng không được trang bị bảo hộ lao động… Mặt khác, đa số LĐTD không được ký kết hợp đồng lao động nên mọi tai nạn xảy ra, người chủ thuê thường lảng tránh, không chịu trách nhiệm. Anh Bùi Văn Mạnh, làm nghề mộc ở xã Bình Phú (Thạch Thất), một lần bất cẩn bị máy ép gỗ kẹp nát tay. Khi xảy ra tai nạn, anh không báo với ai và cho rằng báo cũng chẳng để làm gì. Anh Nguyễn Bá Nam, ở xã Kim Nỗ (Đông Anh), bị rơi từ giàn giáo ở tầng 3 một tòa nhà trong khi đang lăn sơn. Chủ thầu xây dựng đưa anh đi viện và trả tiền viện phí. Dù sức khỏe bị giảm sút nhiều nhưng theo anh Nam, không chết là may rồi còn đòi ai bồi thường?

Hà Nội là địa phương có số vụ TNLĐ xảy ra nhiều so với cả nước. Thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 16 vụ tai nạn nghiêm trọng, làm 23 người chết và nhiều người bị thương. Nguyên nhân chính của TNLĐ thường xuất phát từ sự chủ quan của cả NLĐ và người sử dụng lao động. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh không trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ, về phía NLĐ ý thức chấp hành nội quy an toàn vệ sinh lao động còn hạn chế. Ông Bạch Quốc Việt - Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Hiện Sở LĐ-TB&XH chưa thể thống kê hết số LĐTD đang có mặt tại Thủ đô. Thậm chí, thành phố cũng chưa có cơ quan nào chính thức chịu trách nhiệm quản lý, đào tạo và huấn luyện những kỹ năng cần thiết cho nhóm đối tượng này.

Cần một tổ chức đại diện

Theo ông Phạm Văn Thanh - Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH): Hiện nay, Nhà nước mới có chính sách về tiền lương, an sinh xã hội cho nhóm lao động khu vực chính thức mà chưa có chính sách nào cho nhóm LĐTD. Những năm gần đây, Nhà nước đã thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và BHYT toàn dân, nhưng số LĐTD tham gia rất ít. Phần lớn do trình độ của họ còn nhiều hạn chế nên chưa thấy hết được lợi ích của việc tham gia các loại bảo hiểm. Mặt khác, điều kiện về kinh tế, vật chất còn nhiều khó khăn, thu nhập của lao động khu vực này rất thấp, công việc không ổn định trong khi thời gian tham gia đóng BHXH lại quá dài cũng khiến họ không thể theo đến cùng. Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới chỉ điều chỉnh số lao động ở khu vực chính thức, còn số LĐTD - chiếm số lượng lớn trong hệ thống thị trường lao động của nước ta hầu như chưa được luật đề cập tới…

Thiếu hụt kỹ năng nghề cộng thêm việc chưa được chủ sử dụng lao động đào tạo về các quy định an toàn khiến cho lực lượng này trở thành nhóm có nguy cơ xảy ra TNLĐ như các nạn nhân trong vụ cháy ở số 9 Trần Thánh Tông. Vì vậy, việc thừa nhận chính thức loại hình LĐTD là hết sức cần thiết thông qua việc xây dựng các chính sách liên quan đến quyền lợi của họ. Ngoài ra, cần có những biện pháp bảo vệ và cần có tổ chức đứng ra đại diện cho lực lượng LĐTD đang ngày càng phát triển; tạo điều kiện để họ tham gia các loại hình bảo hiểm, đặc biệt là chính sách bảo hiểm thất nghiệp, như thế mới là giải pháp bền vững bảo đảm an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Buông lỏng quản lý lao động tự do: Nhiều rủi ro tiềm ẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.