Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buông lỏng quản lý đất bãi ven sông

Kim Văn| 08/05/2017 07:08

(HNM) - Công tác quản lý, sử dụng đất bãi ven sông được TP Hà Nội tăng cường nhưng vẫn còn gần 150ha bị sử dụng trái phép, không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng mỗi năm mà còn gây ra nhiều hệ lụy.

Một bãi chứa vật liệu xây dựng vi phạm hành lang thoát lũ tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Thái Hiền


Ngổn ngang vi phạm


Vĩnh Ngọc là một trong 7 xã của huyện Đông Anh có đất bãi ven sông Hồng, sông Đuống và sông Cà Lồ. Đây là điểm “nóng” về tình trạng sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng (bãi chứa), xe quá tải trọng lưu thông làm hư hỏng tuyến đê tả Hồng… Hiện trên địa bàn xã còn hai doanh nghiệp sử dụng trái phép hơn 43.770m2 đất bãi sông Hồng làm bãi chứa. Không riêng Vĩnh Ngọc, trên địa bàn huyện Đông Anh có 21 tổ chức, cá nhân sử dụng gần 247.500m2 đất bãi sông làm bãi chứa, trong đó có 12 đơn vị lấn chiếm gần 181.350m2 đất nông nghiệp, 5 đơn vị tự ý chuyển mục đích sử dụng hơn 29.930m2 đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp…

Tương tự, trên địa bàn 7 xã của huyện Đan Phượng hiện có 10 tổ chức, cá nhân sử dụng 46.387m2 đất bãi ven sông Hồng làm bãi chứa, trong đó 7 đơn vị tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, với tổng diện tích 23.264m2. Đặc biệt, tại xã Liên Hà có 2 đơn vị tự ý sử dụng 3.539m2 đất mái kè Liên Trì, hành lang bảo vệ đê để làm bãi chứa. Còn tại quận Tây Hồ, 28,6ha đất bãi sông Hồng thuộc phường Nhật Tân đã trở thành nơi đổ trộm phế thải xây dựng, đắp ụ đất để trồng hoa, cây cảnh, vi phạm nghiêm trọng pháp luật đê điều…

Qua kiểm tra 15 quận, huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện 14 đơn vị để xảy ra sai phạm quản lý, sử dụng đất bãi ven sông làm bãi chứa, với tổng diện tích 148,23ha. Địa phương có nhiều diện tích vi phạm là quận Hoàng Mai hơn 29,2ha, huyện Gia Lâm 28,8ha và quận Bắc Từ Liêm 24,9ha...

Cũng qua kiểm tra hoạt động của 226 bãi chứa trên địa bàn thành phố, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) phát hiện 151 bãi chứa thiếu cơ sở pháp lý về sử dụng đất đai, lấn chiếm, mở rộng diện tích… Nhiều bãi chứa chất tải vượt quy định, nằm sát cơ đê, trong hành lang thoát lũ. Quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng, chủ các bãi chứa thường sử dụng ô tô trọng tải lớn chạy trên mặt đê gây rạn nứt đê, phát sinh bụi, ô nhiễm môi trường…

Siết chặt quản lý

Mặc dù đã thanh lý hợp đồng thuê đất nhưng Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Ngọc chưa bàn giao đất cho xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) quản lý.


Mặc dù thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương xử lý dứt điểm vi phạm nhưng thực trạng trên cho thấy, công tác quản lý đất bãi ven sông còn nhiều tồn tại. Lý giải về khó khăn của địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) Trần Văn Thức cho biết, trước đây thôn Phương Trạch và Ngọc Giang cho doanh nghiệp thuê đất bãi ven sông làm bãi chứa. Mặc dù các thôn đã thanh lý hợp đồng, không thu tiền thuê đất nhưng hiện nay doanh nghiệp viện nhiều lý do chây ỳ chưa di chuyển tài sản, bàn giao đất cho địa phương…

Còn theo ông Đặng Hữu Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (địa phương có điểm "nóng" vi phạm kéo dài trong nhiều năm là khu vực bãi đá sông Hồng - PV), do nhu cầu xây dựng công trình trên địa bàn lớn, khu vực này lại chưa có bãi chứa nên các đối tượng lợi dụng ngày nghỉ, ban đêm chở phế thải xây dựng đổ trộm xuống bãi sông. Ngoài ra, vì diện tích khu đất bãi rất rộng, lực lượng quản lý mỏng nên phường chưa thể xử lý dứt điểm…

Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã kiểm tra quản lý sử dụng đất của tổ chức và hộ gia đình. Thông qua hoạt động này, Sở hướng dẫn các địa phương về công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát lại hồ sơ cho thuê bãi chứa để chỉnh lý, khắc phục tồn tại... Tương tự, bước vào mùa mưa bão, Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra, phát hiện các bãi chứa vi phạm, giao lực lượng quản lý đê điều gửi thông báo, đề nghị cấp xã, cấp huyện xử lý.

Trong khi đó, thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND huyện Đông Anh đã lập chốt, ngăn chặn phương tiện vận chuyển vào các bãi chứa; yêu cầu các chủ bãi phải tự di chuyển tài sản ra khỏi vị trí vi phạm. Nếu chủ bãi không chấp hành, các xã phải lập phương án cưỡng chế giải tỏa và hoàn thành trước ngày 30-5.

Đối với Đan Phượng, UBND huyện cũng thành lập tổ liên ngành kiểm tra việc sử dụng đất bãi. Theo đó, đối với bãi chứa phù hợp quy hoạch, huyện thông báo cho chủ sử dụng trước ngày 31-5 phải hoàn thiện hồ sơ đúng quy định. Đối với bãi chứa không phù hợp quy hoạch, yêu cầu các xã, trong tháng 5 phải hoàn thành việc giải tỏa... Tuy nhiên, qua khảo sát, vẫn còn một số huyện chưa tích cực chủ động đôn đốc, chỉ đạo cấp xã xử lý nên vi phạm vẫn tồn tại...

Trước thực trạng trên, các quận, huyện, thị xã cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, tiếp tục yêu cầu xã, phường, thị trấn thực hiện cưỡng chế giải tỏa bãi chứa của các đơn vị hoạt động trái phép trên địa bàn; tăng cường quản lý đất công, đất nông nghiệp. Cùng với đó, hướng dẫn các đơn vị đã chấp hành việc tự giải tỏa vật liệu xây dựng, dừng hoạt động bãi chứa trái phép, nếu có nhu cầu sử dụng đất bãi chứa, thuộc vị trí phù hợp quy hoạch thì lập thủ tục thuê đất theo quy định…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Buông lỏng quản lý đất bãi ven sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.