Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buông lỏng quản lý chất lượng thực phẩm trong siêu thị: Người tiêu dùng lãnh đủ

Xuân Lộc| 17/03/2014 06:05

(HNM) - Do những

Việc quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa vào các siêu thị hiện đang bị buông lỏng. Ảnh: Trần Hải


Siêu thị làm ngơ, "hàng bẩn" tuồn vào

Thực tế một buổi phóng viên Báo Hànộimới theo chân đoàn liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội kiểm tra tại Siêu thị Big C (Trần Duy Hưng), Ocean Mart Trung Hòa (ở Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy) cho thấy, cả hai siêu thị đều bày bán hàng chục loại rau quả không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Riêng tại Siêu thị Ocean Mart Trung Hòa, không chỉ các mặt hàng rau, củ, quả tươi mà hầu hết mặt hàng, như bánh kẹo, hạt dẻ, đồ khô… đều vi phạm quy định nhãn mác. Thậm chí, nhiều sản phẩm của một đơn vị sản xuất khác được sang bao, đóng gói nhưng lại gắn nhãn mác của siêu thị và không đề hạn sử dụng.

Khảo sát tại một số siêu thị khác trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy sự "mập mờ" về hạn sử dụng của một số thực phẩm đang đánh đố người tiêu dùng. Ngay tại khu vực bán thực phẩm chín, một số loại thực phẩm ăn liền như: Cá basa, cá kho, cá thác lác, gà quay… trên tem của siêu thị chỉ ghi ngày đóng gói, còn ô đề ngày hết hạn thì bỏ trống. Tìm kỹ, mới thấy ở dưới đáy sản phẩm có dòng ghi "Hạn sử dụng một ngày" hoặc "Hạn sử dụng 5 ngày". Hay với một số loại thực phẩm rau quả, nhiều loại không ghi tên đơn vị cung cấp mà chỉ đề trọng lượng, giá cả, xuất xứ Việt Nam.

Chịu sự quản lý của ba ngành công thương, NN&PTNT và y tế nên đối với các siêu thị, việc xin giấy phép, giấy chứng nhận ATVSTP phải qua rất nhiều "cửa". Còn với mỗi sản phẩm, muốn có được "chỗ đứng" trong siêu thị phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu gắt gao, ví dụ: Mặt hàng thực phẩm phải có hồ sơ công bố chất lượng theo quyết định của Bộ Y tế; hàng nhập khẩu phải có tờ khai hải quan, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận đạt chất lượng nhập khẩu của Bộ Y tế… Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Lê Đức Thọ cho rằng, quy trình để đưa một sản phẩm vào siêu thị rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Bên cạnh việc kiểm tra đầy đủ hồ sơ chứng nhận bảo đảm ATVSTP, siêu thị còn phải cử nhân viên kiểm tra tình hình thực tế, từ khâu nuôi trồng, quy trình sản xuất đến khâu chế biến thực phẩm của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, định kỳ hằng tháng, hằng quý, phòng quản lý chất lượng của hệ thống siêu thị sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra các chỉ tiêu về kháng sinh, dinh dưỡng, dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại, hóa lý, vi sinh… do Bộ Y tế đề ra. Thế nên, những siêu thị kinh doanh nghiêm túc thường đặc biệt quan tâm đến quy trình sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít siêu thị lại có quan điểm dễ dãi rằng: Mỗi siêu thị có hàng trăm, hàng nghìn mặt hàng, không thể đủ sức để giám sát từng đơn vị, từng mặt hàng và từ khâu nuôi trồng hay tiến hành kiểm tra, xét nghiệm. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan chức năng. Những siêu thị như vậy chỉ chủ yếu kiểm tra chất lượng sản phẩm dựa trên hồ sơ công bố tiêu chuẩn, giấy chứng nhận ATVSTP mà nhà sản xuất cung cấp. Thậm chí, khâu kiểm tra thực tế quá trình nuôi trồng, chế biến và đóng gói sản phẩm còn bị nhiều siêu thị bị bỏ qua. Chính sự thiếu trách nhiệm này đã tạo nhiều lỗ hổng, tiếp tay cho các nhà cung cấp lợi dụng tuồn hàng "bẩn", hàng kém chất lượng vào siêu thị.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị. Ảnh: Khánh Nguyên


Quản lý trên giấy

Trong khi các siêu thị chưa làm hết trách nhiệm của doanh nghiệp phân phối thì việc quản lý chất lượng ATVSTP của cơ quan chức năng lại lỏng lẻo.

Khi tiến hành kiểm tra việc kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, thực phẩm trong siêu thị, các đoàn kiểm tra cũng chỉ căn cứ vào hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc sản phẩm do siêu thị cung cấp. Hơn thế, tại thời điểm kiểm tra, có siêu thị mới chỉ xuất trình giấy kiểm dịch thú y mà chưa xuất trình các giấy tờ có giá trị pháp lý liên quan do Sở Y tế Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội cấp hay giấy chứng nhận ATVSTP bếp ăn của khu vực kinh doanh ăn uống trong siêu thị. Những lỗi không hề nhỏ, có thể dẫn tới hậu quả khôn lường đối với người tiêu dùng nhưng biện pháp xử lý duy nhất được cơ quan chức năng đưa ra cũng chỉ là "nhắc nhở" và yêu cầu bổ sung giấy tờ cần thiết.

Hệ quả của việc quản lý "trên giấy" khiến cho thời gian qua, không ít thực phẩm "bẩn" gắn mác sạch, hay thực phẩm "nhập nhèm" nguồn gốc, không có nguồn gốc xuất xứ… đã "lọt" vào siêu thị. Nếu vấn đề này không sớm được cải thiện, thì tình trạng siêu thị lừa người tiêu dùng sẽ tiếp tục tái diễn.

Hậu quả sẽ thế nào nếu hàng hóa không bảo đảm chất lượng "qua mặt" cơ quan chức năng một cách dễ dàng để tuồn vào cả kênh phân phối được người tiêu dùng đặt nhiều lòng tin như siêu thị (?). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buông lỏng quản lý chất lượng thực phẩm trong siêu thị: Người tiêu dùng lãnh đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.