(HNM) - Người dân xã Tân Hội, huyện Đan Phượng vốn năng động, ngoài sản xuất nông nghiệp còn tìm đường mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, ở mỗi thời kỳ đều có những nghề
Hai bên đường làng là những dãy nhà khang trang với các cửa hàng sầm uất không khác gì ở phố. |
Phố trong làng
Mặc dù đã được lãnh đạo huyện giới thiệu trước về tình hình phát triển kinh tế của địa phương song chúng tôi vẫn ngỡ ngàng khi đặt chân đến nơi này. Con đường từ trung tâm huyện Đan Phượng về xã Tân Hội được đầu tư mở rộng, trải nhựa láng bóng. Một con "phố" sầm uất giữa vùng nông thôn truyền thống với những ngôi nhà ống cao tầng san sát; những ki ốt, cửa hàng tấp nập người mua kẻ bán đủ các mặt hàng, từ nông sản thực phẩm, điện tử, điện lạnh đến các mặt hàng xa xỉ, chả kém gì nội thành.
Nói về sự đổi thay, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội Nguyễn Vĩ Hùng khoe: "Phi thương bất phú. Tiếng là nông dân nhưng bà con Tân Hội ở bất kỳ giai đoạn nào cũng đều tìm được nghề phù hợp để làm giàu". Cách đây khoảng hơn chục năm, ở Tân Hội chỗ nào cũng lách cách thoi đưa, chan chát búa đập. Nghề dệt và rèn cho thu nhập qua những sản phẩm màn, liềm, cuốc, xẻng, dao, kéo, bếp kiềng... Sau một thời kỳ hưng thịnh, nhu cầu về sản phẩm rèn và dệt giảm mạnh. Nghề cũ không phù hợp, tưởng rằng người dân sẽ rơi vào khó khăn thì ngay lập tức, nghề mới lại nhen nhóm. Từ một, hai hộ, đến nay, cả xã đã có khoảng 200 hộ gia đình làm nghề mộc, thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài xã. Mỗi năm, Tân Hội sản xuất hàng vạn sản phẩm đồ gỗ nội thất cung cấp cho thị trường Hà Nội. Anh Nguyễn Tài Đức, một "đại gia" trẻ nhờ phát triển nghề mộc cho hay: "Mặc dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng nghề mộc lại phát triển rầm rộ. Người làm mộc dường như ai cũng khấm khá, không ít người xây biệt thự, mua xe hơi". Anh Đức vào nghề từ năm 1999 với một cơ sở sản xuất đồ mộc nhỏ chỉ 6 thợ thủ công, đến nay, công ty của anh đã có gần 30 lao động với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng, doanh thu từ 5 đến 6 tỷ đồng/năm.
Tân Hội còn được mệnh danh là "làng xuất ngoại". Từ năm 2000 đến nay, xã đã có trên 800 người đi lao động nước ngoài, chủ yếu ở các nước Đông Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… "Ở Tân Hội có nhiều đại gia đình ra nước ngoài định cư ổn định. Nhiều người làng làm ăn lớn đã thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài, buôn bán xuyên quốc gia. Hằng năm, gửi một lượng tiền lớn về quê" - ông Nguyễn Vĩ Hùng cho biết. Năm 2010, tổng thu toàn xã ước đạt trên 216 tỷ đồng, chưa kể lượng kiều hối gửi về.
…và những chuyện buồn
Là vùng đất cổ thuộc tổng Gối, trước đây, Tân Hội rất đỗi yên bình với những nét đặc trưng nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Theo các cụ cao niên, Tân Hội có bốn thôn, mỗi thôn có ba giếng, ở đầu, giữa và cuối thôn. Ở đường vào của cả tổng có một giếng hình ô van tựa như chiếc gương, được đặt tên là giếng Soi nhằm nhắc nhở mọi người mỗi khi đi - về phải soi lại mình. Có một giếng đá mà theo tục lệ, đám tang nào ngang qua, đều dừng lại trước cái giếng này, để người dân quê Gối gửi lời chào. Cùng với giếng là rất nhiều ao làng nhưng tốc độ đô thị hóa nhanh, giờ Tân Hội chỉ còn 8 giếng và ao. Nếu như trước đây, mỗi hộ gia đình ít nhất cũng có 200m2 đến 1 sào đất ở, nay có hộ ở Tân Hội chỉ còn 30m2. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Vỹ Hùng: "Trung bình mỗi hộ chỉ có vài chục mét vuông đất ở, vườn tược hầu như không còn". Đất đai ngày càng đắt đỏ, nhất là khu vực mặt đường trung tâm xã. Đất đai thu hẹp nên nhà cao tầng trở thành chủ đạo, những ngôi nhà mái ngói ở Tân Hội giờ là của hiếm.
Kinh tế phát triển đã mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn Tân Hội, nhưng cũng để lại hệ lụy. Nạn tắc đường, kẹt xe như phố phường nội thị trong giờ cao điểm, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Cả xã có tới 40 đối tượng nghiện hút và nghi nghiện hút; tình trạng trộm cắp, cướp giật trước đây hầu như không có thì nay đã trở thành nỗi lo sợ của nhiều người. Năm 2010, trên địa bàn xã đã xảy ra 34 vụ phạm pháp hình sự trong đó có 13 vụ trộm xe máy, 5 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân, 5 vụ cướp giật và 8 vụ sử dụng chất ma túy… Đó là những mảng tối của bức tranh "phố" làng ven đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.